15 giờ trước . bởi Phạm Tâm

Doanh nghiệp Việt hái ‘quả ngọt’ với mảng thực phẩm thiết yếu

Nhìn vào doanh số khả quan trong nửa đầu năm nay của CTCP tập đoàn Kido hay các doanh nghiệp thuỷ sản, sẽ thấy “quả ngọt” từ mảng thực phẩm thiết yếu sẽ đến với những doanh nghiệp Việt biết “nhìn xa trông rộng”, biết chớp lấy các cơ hội từ những biến động lớn trên thị trường.

áo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 mới công bố của CTCP tập đoàn Kido cho thấy doanh thu thuần đạt 6.352 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là ngành dầu ăn chiếm đến 83% tỷ trọng doanh thu (5.272 tỷ đồng) của doanh nghiệp (DN), tăng gần 29,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh số tăng cao giữa nhiều biến động

Trong đó, có thể kể đến kết quả kinh doanh đầy hứng khởi của công ty con là “công thần” ở mảng dầu ăn như CTCP Dầu Thực Vật Tường An khi ghi nhận 3.645 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là “quả ngọt” của Kido khi “nhìn xa trông rộng” sau vài năm chuyển đổi từ mảng bánh kẹo sang mảng thực phẩm thiết yếu như ngành hàng dầu ăn.

HINH-6922-1658307747.jpg
Với mảng thực phẩm thiết yếu, áp lực cạnh tranh là rất cao nhưng “quả ngọt” mang lại sẽ xứng đáng nếu DN biết “nhìn xa trông rộng”, chớp lấy các cơ hội giữa nhiều biến động.

DN này được cho là sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm hay ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị… để bổ sung vào danh mục sản phẩm thiết yếu, mang đến sự đa dạng và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Hoặc như ở nhóm ngành thực phẩm thiết yếu khác là thuỷ sản. Theo ghi nhận mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), dù trong cơn bão lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, các DN chế biến và xuất khẩu (XK) thuỷ sản vẫn mạnh mẽ vươn lên.

Điều này có thể thấy rõ trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay khi nhiều DN có doanh số XK tăng trưởng bứt phá. Nhất là nhóm DN tăng trưởng mạnh tập trung nhiều vào ngành hàng cá tra. Trong đó CTCP Vĩnh Hoàn đứng đầu trong số gần 900 DN xuất khẩu thuỷ sản với doanh số trên 226 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Vĩnh Hoàn, các công ty XK cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như: Công ty TNHH Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%, CTCP đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) tăng 86%, CTCP Nam Việt (NAVICO) tăng 41%, Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%, Công ty  TNHH thuỷ sản Đại Thành Tiền Giang tăng 118%, CTCP thuỷ sản NTFS tăng 87%…

Còn dẫn đầu trong các DN xuất khẩu tôm và đứng thứ 2 trong các DN XK thuỷ sản là CTCP Thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX) với kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ. CTCP Tập đoàn Minh Phú đứng thứ 3, doanh số tăng nhẹ 6%, XK của Công ty Minh Phú – Hậu Giang tăng 30%. 

Nhiều DN tôm khác vẫn giữ được tăng trưởng cao như: CTCP dịch vụ và thuỷ sản Cà Mau (CASES) tăng 47%, CTCP thực phẩm Sao Ta tăng 18%, CTCP thuỷ sản và thương mại Thuận Phước tăng 13%, CTCP chế biến thuỷ sản Tài Kinh Anh tăng 73%. Đáng lưu ý có Công ty TNHH MTV SX TM Anh Nhân bứt phá ngoạn mục với doanh số gấp gần 5 lần so với cùng kỳ.

“Nhìn xa, trông rộng”, chớp lấy cơ hội

Theo nhận định từ chuyên gia phân tích của Vasep, các DN thuỷ sản đi qua “cơn bão” lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao đã chớp lấy cơ hội từ những thị trường đang có nhu cầu lớn, như Mỹ, EU, Trung Quốc và những thị trường luôn ưa chuộng sản phẩm thuỷ sản chế biến tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, cùng nhiều thị trường tiềm năng khác.   

Quan sát những kết quả khả quan nêu trên, giới chuyên gia cho rằng, điều này càng khẳng định sức chống chịu tốt của các DN sản xuất kinh doanh mảng thực phẩm thiết yếu trong môi trường lạm phát, đặc biệt là với những DN biết “nhìn xa trông rộng”, chịu khó đầu tư mở rộng sản xuất và thậm chí cả hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) để gia tăng thị phần.

Với mảng thực phẩm thiết yếu, áp lực cạnh tranh với các DN là rất cao nhưng “quả ngọt” mang lại sẽ xứng đáng nếu thành công, cũng như cần biết chọn ngành hàng có tiềm năng và dư địa thị trường lớn. 

Nhất là các công ty đang dẫn đầu thị trường thực phẩm thiết yếu luôn cảnh giác và phản ứng phòng vệ mạnh mẽ. Vì thế, các DN khi tham gia vào thị trường này buộc phải có những điều chỉnh về mặt chiến lược theo hướng phù hợp hơn với tình hình thực tế. 

Bên cạnh đó, để có doanh thu khả quan đòi hỏi các DN trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu xác định phải cạnh tranh trực diện, ngang ngửa với các “ông lớn” trong ngành bằng chính những lợi thế mình có được, từ quy mô sản xuất, giá thành, chất lượng sản phẩm, kinh nghiệm xây dựng và quảng bá thương hiệu, hệ thống phân phối…

Như trường hợp của Kido, trong thời gian đầu chuyển sang mảng dầu ăn vẫn khiến nhiều người nghi ngại vì cho rằng sẽ khó chen chân khi đã có các tên tuổi cát cứ. Tuy nhiên, DN này đã tận dụng được lợi thế cạnh tranh sẵn có về nguồn vốn mạnh, kinh nghiệm quản trị, hệ thống phân phối rộng khắp để thâm nhập mạnh mẽ hơn vào mảng thực phẩm thiết yếu để có được “trái ngọt” như hiện tại.

Hay với nhóm ngành thuỷ sản, việc nhiều DN trong ngành hàng cá tra có mức tăng trưởng đột phá nửa đầu năm nay được cho là nhờ sự linh hoạt và nỗ lực của bản thân các DN sau những tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhất là việc các DN tìm được cơ hội từ biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và chiến sự Nga – Ukraine được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn.

Riêng xét về việc XK, trước nhiều biến động lớn trên thế giới thì xu hướng tích trữ các mặt hàng nông sản thực phẩm đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia. Đây chính là điều kiện thuận lợi để những DN hàng đầu của Việt Nam trong mảng thực phẩm thiết yếu cần chớp cơ hội, tiếp tục đẩy mạnh XK trong thời gian tới.

Thế Vinh

Bình Luận