Mở “luồng xanh” đưa hàng hoá Việt ra thế giới
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết về Xúc tiến thương mại trực tuyến trong bão dịch COVID-19 với góc nhìn đa chiều từ sự linh hoạt của nhà quản lý đến sự tham gia của doanh nghiệp.
Dịch COVID-19 đã tấn công hầu hết các quốc gia trên thế giới suốt thời gian qua; trong đó, có Việt Nam khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực gặp khó khăn và xúc tiến thương mại cũng từ đó bị ngưng trệ.
Trước bối cảnh này, xúc tiến thương mại trực tuyến được xem là hướng đi tất yếu và nhận được sự ủng hộ từ phía doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết về Xúc tiến thương mại trực tuyến trong bão dịch với góc nhìn đa chiều từ sự linh hoạt của nhà quản lý đến sự tham gia của doanh nghiệp trước một hình thức xúc tiến thương mại mới.
Bài 1: Mở “luồng xanh” đưa hàng hoá Việt Nam ra thế giới
Trong khi nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 thì trên mặt trận kinh tế, Việt Nam lại ghi nhận lần đầu tiên xuất khẩu theo hình thức “sàn thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng do người Việt Nam xây dựng và vận hành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi mở “bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng là một thời cơ để đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số”. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã tiên phong trong việc xúc tiến thương mại trực tuyến mở “luồng xanh” đưa đặc sản Việt Nam từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng quốc tế, tạo kênh hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận mọi thị trường.
*Xuất khẩu trên Internet
Có lẽ đây là lần đầu tiên Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới lâm vào tình trạng bế quan toả cảng khi phải đối diện với dịch COVID-19. Hàng nghìn giao dịch, hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… phải hủy hoặc hoãn thực hiện.
Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn nội tại, với sự vào cuộc của cả hệ thống từ cơ quan quản lý Nhà nước tới sự đồng lòng của doanh nghiệp, bước đầu xúc tiến thương mại trực tuyến đã manh nha khởi động qua những buổi giao thương trực tuyến và tiến tới là hoạt động xúc tiến xuất khẩu qua Internet.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ: Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các quốc gia đóng cửa phòng dịch khiến hàng loạt các hoạt động giao thương trực tiếp truyền thống không thực hiện được.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến thương mại. Qua đó, đã tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến.
Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác trên khắp 5 châu lục gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng châu Phi, Australia.
Ngoài ra, hoạt động giao thương trực tuyến cũng đã kịp thời hỗ trợ các địa phương có nông sản phụ thuộc mùa vụ cao như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Cà Mau, Đắk Lắk, Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Voso.vn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, đồng thời thu hút đầu tư vào chế biến, sản xuất nông sản tại địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm đổi mới xúc tiến thương mại để thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 5 ứng dụng trong năm 2021 như phần mềm bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ); cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com); cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá (https://vietnam.tradeportal.org); nền tảng đào tạo xúc tiến thương mại trực tuyến (E-learning).
Đánh giá cao phương thức mới này, ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết: Xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại trực tuyến là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp.
Bởi thông qua xúc tiến thương mại trực tuyến, doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Tuy nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán.
Theo ông Tô Hoài Nam, trước đây VINASME thường chủ trì các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia với việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế. Thế nhưng, để thích ứng với tình hình mới, VINASME đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại sang trực tuyến cho doanh nghiệp.
Tuy dịch COVID-19 cản trở xúc tiến thương mại, gây khó trong xuất khẩu nhưng hàng hoá Việt Nam, nhất là nông sản vẫn liên tục được cấp giấy thông hành để cập bến những thị trường khó tính như vải thiều xuất khẩu sang Pháp, Nhật Bản, Hà Lan; nhãn lồng Hưng Yên đi châu Âu và tiến tới là mận, thanh long cùng nhiều nông sản khác.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho hay: Mặc dù việc đưa quả vải thiều Việt Nam sang Hà Lan gặp không ít khó khăn, nhưng với sự đồng lòng của cơ quan quản lý Nhà nước cùng nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp, lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Hà Lan và từ nước này phân phối cho các nước EU lân cận.
Đặc biệt, điểm cộng cho lô hàng vải nhập khẩu từ Việt Nam lần này là có gắn tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển làm tăng thương hiệu cho quả vải Việt Nam.
Trước đó, nhờ xúc tiến thương mại trực tuyến, vải thiều Việt Nam cũng đã xuất khẩu thành công sang Pháp, Nhật Bản… đều là những thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Trái vải thiều được bán ở đây với giá lên đến gần 500.000 đồng/kg nhưng vẫn “cháy hàng”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Từ đầu năm 2021 đến nay, các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến tiêu thụ quả vải được thực hiện định kỳ và mang lại nhiều kết quả tích cực.
Nhờ thị trường ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu trên nhiều thị trường quốc tế “khó tính” như Nhật Bản, EU… và tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt trên 89.000 tấn, chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, xác định nông nghiệp là khu vực mà Việt Nam có nhiều thế mạnh, có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước nên trong quá trình đàm phán hội nhập, Bộ Công Thương và các bộ, ngành luôn đặt mục tiêu để đạt được phương án tốt nhất cho hàng hóa nông sản, trái cây của Việt Nam xuất khẩu.
Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện thêm các thủ tục cần thiết để có thể xuất khẩu thêm một số nông sản, đặc sản địa phương ra thị trường quốc tế thông qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới, tức là từ nhà sản xuất Việt Nam tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài.
*Hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại toàn diện
Theo ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thương mại điện tử xuyên biên giới đã thay đổi hoàn toàn xu hướng kinh doanh, hợp tác với nhiều doanh nghiệp; trong đó các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu.
Vì vậy, doanh nghiệp cần có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh và nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm.
Hơn nữa, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên doanh nghiệp cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho các khâu từ marketing đến bán hàng, chăm sóc khách hàng…
Nhằm đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Cục Xúc tiến thương mại đang xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng Hệ sinh thái về xúc tiến thương mại (App). Đây là nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại một cách toàn diện.
Sắp tới, Cục sẽ triển khai thí điểm hình thức mới là tham gia hội chợ từ xa – lựa chọn các hội chợ có uy tín, được triển khai tại nội địa các nước và khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh để xây dựng gian hàng trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Từ đó, tạo điều kiện trực tiếp quảng bá sản phẩm đến khách hàng quốc tế và sử dụng công nghệ để kết nối giao dịch giữa doanh nghiệp tại Việt Nam với khách nước ngoài thăm quan gian hàng.
Ngoài ra, Cục còn hợp tác với các sàn thương mại điện tử uy tín trên thế giới như Amazon, Alibaba, Global Sources nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí xúc tiến xuất khẩu và giới thiệu thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và nhà nhập khẩu toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mặc dù đã đổi mới nhưng các hình thức xúc tiến hiện đại còn hạn chế; quy mô hoạt động còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2021, Bộ Công Thương sẽ đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, ưu tiên triển khai các đề án xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động với những thị trường sớm khôi phục sau dịch COVID-19.
Đồng thời, Bộ tập trung đẩy mạnh xúc tiến tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, thị trường có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.
Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý doanh nghiệp thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; quy cách đóng gói đáp ứng nhu cầu từ các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin mặt hàng xuất khẩu, nhà phân phối, nhà nhập khẩu tiềm năng cũng như nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị để kết nối giao thương trực tuyến đạt hiệu quả cao./.
Uyên Hương
Bình Luận