Vĩnh Hoàn đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ thực phẩm châu Á
Vĩnh Hoàn đã cùng với gã khổng lồ Woowa Brothers (tập đoàn mẹ của ứng dụng giao đồ ăn Baemin) và tập đoàn CJ Cheil-Jedang của Hàn Quốc tham gia vòng gọi vốn mới trị giá gần 18 triệu USD cho startup Shiok Meats của Singapore. Đây không phải là lần đầu tiên Vĩnh Hoàn mở hướng đầu tư vào công nghệ thực phẩm ở nước ngoài. Hồi tháng 1/2021, Vĩnh Hoàn đã công bố khoản đầu tư chiến lược vào startup Avant Meats ở Hong Kong.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, đã chính thức xác nhận tin này với BSA Online / Thế Giới Hội Nhập. “Nữ hoàng cá tra” cũng không tiết lộ về các chi tiết liên quan đến thương vụ này. Trong khi đó, các tờ báo chuyên ngành thủy hải sản như Green Queen và The Fish Site đã gọi thương vụ này được “dẫn dắt” bởi công ty thủy hải sản hàng đầu tại Việt Nam.
Shiok Meats là công ty công nghệ thực phẩm non trẻ của Singapore tiên phong trong lãnh vực nghiên cứu và chế tạo thịt tôm, thịt cua nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Thông cáo của Shiok phát đi tuần rồi nhân vòng gọi vốn series B đã nói rằng nguồn vốn mới sẽ dùng vào các công trình nghiên cứu và phát triển (R&D) đang diễn ra của công ty và xây dựng cơ sở sản xuất thịt tôm, tôm hùm có thể đưa ra thị trường vào năm 2022.
Trước đó, tháng 11/2020 Shiok Meats đã thành công trong vòng gọi vốn series A trị giá 12,6 triệu USD. Với dòng vốn mới, Shiok Meats được đầu tư tổng cộng 30 triệu USD và được xem là startup có giá trị lớn nhất lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các loại thịt nhân tạo từ tế bào trong phòng thí nghiệm. Shiok Meats dự định sẽ sớm hạ giá thành 1 ký tôm dạng thịt bằm được chế tạo trong phòng thí nghiệm: từ 1.500 USD hiện nay xuống còn 50 USD trong năm tới.
Giá trị vốn góp của Vĩnh Hoàn trong gói series B đã không được Shiok lẫn Vĩnh Hoàn tiết lộ. Tuy nhiên, các trang tin công nghệ đã đưa xếp vị trí của Vĩnh Hoàn lên trước hai tập đoàn lớn Woowa Brothers và CJ của Hàn Quốc. Các tập đoàn và công ty khác góp vốn còn có: tập đoàn Irongrey của Hàn Quốc, quỹ Alexander Payne Living Trurst của Mỹ, hãng thực phẩm Toyo Seikan của Nhật Bản và các quỹ đầu tư mạo hiểm Big Idea Ventures (BIV), Boom Capital và Mindshift Capital. Nhà đầu tư cá nhân duy nhất là CEO Henry Soesanto của hãng Monde Nissin.
Trước đó, tháng 1/2021 Vĩnh Hoàn trở thành cổ đông của Avant Meats ở Hong Kong sau khi đồng ý thu mua công ty Vinh Technology ở Singapore. Nhưng Vinh Technology chiếm cổ phần nhỏ trong Avant Meats. Theo thỏa thuận, Vĩnh Hoàn sẽ thành lập quan hệ đối tác chiến lược với Avant để thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm đạm từ cá nuôi (không phải từ cá đánh bắt). Ngược lại, Avant sẽ có được bệ phóng khi sử dụng mạng lưới bán sản phẩm toàn cầu và công nghệ chế biến của Vĩnh Hoàn.
Trước đó, Avant đã gọi được 3,1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống để thúc đẩy R&D và đưa các sản phẩm đạm cá ra thị trường trong năm 2021 này.
“Vĩnh Hoàn là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản và các loại đạm thay thế. Sự hiểu biết thấu đấu các yêu cầu khách hàng của Vĩnh Hoàn sẽ là kim chỉ nam đúng đắn và giá trị cho quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm của chúng tôi, nhà đồng sáng lập và CEO Carrie Chan của Avant Meats phát biểu.
Theo thỏa thuận, Vĩnh Hoàn sẽ tận dụng thế mạnh của Vinh Technology trong tiếp cận các cơ hội chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, thực phẩm và sinh học có liên quan đến hải sản và đạm thay thế. Vinh Technology sẽ tham gia vào các phân nhánh Vinh Aquaculture (nuôi trồng thủy hải sản), Vinh Foods (thực phẩm) và Vinh Wellness (chăm sóc sức khỏe).
Như vậy, với hai thương vụ đầu tư vào startup ở Singapore và Hong Kong, Vĩnh Hoàn đang đánh đi tín hiệu mới về đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài và bước vào lãnh địa công nghệ mới không là thế mạnh của các công ty Việt Nam.
Bsa Online
Bình Luận