18-11-2121 . bởi Phạm Tâm

PGS – Hệ thống chứng nhận nông nghiệp hữu cơ dành cho các nông hộ quy mô nhỏ

Một bộ phận người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có lẽ không còn xa lạ với PGS (Participatory Guarantee System) – Hệ thống chứng nhận nông nghiệp hữu cơ có sự tham gia, đã tồn tại hơn mười lăm năm nay. Hiện tại, mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ PGS đã nhân rộng ra nhiều vùng miền trên cả nước, góp phần nâng cao sinh kế ổn định và bền vững cho hàng ngàn nông hộ trong hệ thống.  

PGS – Hệ thống chứng nhận có sự tham gia

Hiểu một cách đơn giản, PGS là hệ thống chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo các nguyên tắc và quy chuẩn hữu cơ đã được thống nhất với sự tham gia của nhiều bên trong chuỗi sản xuất – cung ứng – tiêu thụ. 

Điểm khác biệt cơ bản của Hệ thống PGS so với các hệ thống chứng nhận của bên thứ ba (ICS) là thay vì thuê một đánh giá viên độc lập từ bên ngoài, thì PGS sử dụng chính nguồn nhân lực trong chuỗi liên kết của mình. Các nông hộ, kỹ sư nông nghiệp của hợp tác xã, nhân viên doanh nghiệp, người tiêu dùng và cán bộ dự án… sau khi được đào tạo nghiệp vụ thanh tra sẽ đảm nhiệm công việc này. Quá trình thanh tra được điều phối, giám sát bởi các liên nhóm sản xuất cùng các giám sát viên của các bên liên quan. Cũng chính vì lẽ đó PGS được gọi là hệ thống chứng nhận có sự tham gia. 

Tính khách quan, minh bạch của Hệ thống PGS được thể hiện ở chỗ người nông dân không thể “tự phong” sản phẩm của mình là hữu cơ ngay cả khi tham gia vào hệ thống. Để có được chứng nhận cần trải qua nhiều bước canh tác theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã được thống nhất. Và trong suốt quá trình đó luôn có những giám sát viên theo dõi bằng nhiều hình thức, từ giám sát chéo giữa các nhóm, kiểm tra ngẫu nhiên, kiểm tra định kỳ, test sản phẩm… 

Với vai trò là một người chủ, mọi nông hộ đều có trách nhiệm thực hành tốt để đảm bảo uy tín chung. Nếu xảy ra sự cố trong cùng một diện tích canh tác thì cả nhóm sản xuất đều có trách nhiệm liên đới và có khả năng không được tiếp tục chứng nhận. Người nông dân với vai trò kép sản xuất – giám sát, sẽ liên tục quan sát các thành viên trong nhóm, và cũng phải tự ý thức làm đúng quy định, để đảm bảo các tiêu chuẩn đầu ra. 

Bên cạnh đó, vai trò của các liên nhóm sản xuất cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch của quá trình giám sát; đồng thời điều phối, cân đối kế hoạch sản xuất giữa các nhóm để không bị xung đột lợi ích. 

Ngoài ra, nhật ký đồng ruộng là quy trình bắt buộc không thể bỏ qua của mỗi nhóm hoặc trang trại sản xuất hữu cơ. Qua theo dõi nhật ký, vòng đời sản phẩm từ lúc chuẩn bị đất, gieo hạt, chăm bón tới thu hoạch… đều thể hiện rõ. Cùng với việc đánh giá các yếu tố khách quan, như điều kiện thời tiết, sản lượng và chất lượng sản phẩm sẽ được dự báo gần sát với thực tế. Việc này vừa giảm thiểu khả năng gian lận; vừa giúp các liên nhóm điều phối lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tồn, ứ cho người sản xuất. 

Cũng chính vì những yêu cầu đó mà thực hành nông nghiệp hữu cơ vốn không dễ càng trở thành quá trình chắt lọc tỉ mỉ. Theo bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam, năm 2009 Hệ thống có 13 nhóm đăng ký nhưng chỉ một nhóm duy nhất được cấp chứng nhận PGS. Một số nhóm nông dân không chịu được những quy định quá khắt khe đã xin thôi tham gia. “Nhưng sau đó, khi họ thấy những nhóm làm tốt được tiêu thụ hết sản phẩm với giá rất tốt lại rủ nhau quay lại làm hữu cơ”, bà Nhung chia sẻ.

Từ năm 2019, ngoài việc áp dụng các chính sách giám sát như trên, Hệ thống PGS cũng áp dụng phương thức truy xuất nguồn gốc thông qua các tem xác thực gắn mã QR. Theo chia sẻ của Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, hệ thống quản lý số tăng cường hiệu quả quản lý các dòng sản phẩm PGS hữu cơ, minh bạch tình trạng chứng nhận đến từng nông hộ, giảm tối đa nguy cơ gian lận từ đồng ruộng đến bàn ăn. 

Áp dụng phương thức truy xuất nguồn gốc thông qua các tem xác thực gắn mã QR. Ảnh: PGS Vietnam.

Liên kết mạnh để duy trì lợi ích bền vững

Điểm khác biệt cơ bản, cũng như tính nhân văn, giá trị xã hội của các hệ thống chứng nhận hữu cơ PGS là người sản xuất có thể tự xây dựng hệ thống chứng nhận của mình thông qua các liên minh sản xuất – cung ứng – tiêu dùng. Yếu tố này đặc biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam, khi diện tích canh tác không đủ lớn để hình thành các trang trại đạt chuẩn và không đủ chi phí để thuê đánh giá độc lập. 

Điều này không có nghĩa là chứng nhận PGS không dành cho các mô hình sản xuất cá thể. Tuy nhiên, với đặc điểm diện tích canh tác nhỏ và phân mảnh như tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam, đây là “cứu cánh” cho các nông hộ muốn canh tác hữu cơ đạt chuẩn. 

Mặt khác, khi có sự tham gia của nhiều bên trong chuỗi cung ứng thì các chi phí duy trì hệ thống sẽ được san sẻ bớt, chẳng hạn như với doanh nghiệp. “Như vậy người nông dân sẽ đỡ áp lực hơn trong việc gồng gánh chi phí chứng nhận”, bà Nhung cho biết. 

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi một cách có tổ chức, minh bạch, kỷ luật đã đem lại những hiệu quả rất tích cực. Đầu tiên là tính minh bạch, uy tín của hệ thống luôn được đảm bảo. Tiếp theo đó là mối lo lắng về tiêu thụ sản phẩm hầu như không tồn tại. 

Gạo chuyển đổi hữu cơ của nhóm nông dân Bắc Kạn. Ảnh: PGS Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng Nhóm rau hữu cơ Thành Công (Sóc Sơn, Hà Nội), là người đã tham gia sản xuất hữu cơ từ năm 2010. Ông cho biết mỗi ngày nhóm ông cung cấp khoảng 80-100kg rau hữu cơ cho các chuỗi thực phẩm sạch. “Nhóm tôi đã giao rau cho các cửa hàng gần 10 năm nay, từ 2012. Cửa hàng có đổi chủ vẫn cứ tìm đến chúng tôi để được giao rau. Họ tin tưởng nên cũng không có nhu cầu tìm mối khác”, ông Viện cho biết. 

Theo chia sẻ của ông Viện, tỷ lệ tiêu thụ rau gần như 100%. Nếu còn thừa chút nào thì giữ lại cho nhà ăn, chưa bao giờ xảy ra tình trạng “ế” rau mà chỉ sợ sản xuất không đủ nhu cầu. Tỷ lệ tiêu thụ cao, rau hữu cơ lại luôn giữ giá bất chấp những biến động của thị trường nên thu nhập của các nhóm viên được cải thiện đáng kể và bền vững hơn. “Thu nhập thì ổn định rồi, lại còn tốt cho sức khỏe của mình và người tiêu dùng nên chúng tôi cứ yên tâm mà làm thôi”, ông Viện khẳng định. 

Được biết, ngoài nhóm ông Viện tại địa phương đã phát triển thêm 20 nhóm tập trung và năm cá thể nhà vườn nữa theo mô hình PGS. Hầu hết sản phẩm của các nhóm đều được bao tiêu bởi các chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị lớn như Aeon, Winmart, Bác Tôm, Tâm Đạt, Minh Khôi…

Vườn rau hữu cơ của nhóm Thành Công. Ảnh: PGS Việt Nam.

Được sự ủng hộ, nâng đỡ tích cực của các địa phương, tổ chức xã hội dân sự (NGOs) và cả doanh nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển ngày càng mạnh mẽ trong thời gian qua. Điển hình là sự lớn mạnh của Hệ thống PGS Việt Nam (Hà Nội), PGS Hòa Bình, PGS Tuyên Quang, PGS Hội An, PGS Bến Tre với sự tham gia của hàng ngàn nông hộ. 

Liên kết mạnh mẽ đã giúp hệ thống sản xuất – tiêu dùng đạt chuẩn duy trì các lợi thế, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 vừa qua. Tại thời điểm rau hữu cơ có dấu hiệu bị tồn đọng trên đồng ruộng trong những ngày giãn cách đầu tiên, các doanh nghiệp tham gia hệ thống đã phối hợp cùng chia sẻ các chuyến xe vận chuyển; đồng thời cùng các liên nhóm đề xuất các giải pháp tới chính quyền địa phương hỗ trợ người nông dân. Chính điều này đã giữ vững tinh thần sản xuất của nông dân, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong kế hoạch sắp tới, PGS Việt Nam cùng Hiệp Hội Nông nghiệp hữu cơ sẽ thúc đẩy các hoạt động gắn kết, liên minh các PGS hữu cơ trên toàn quốc để hỗ trợ kỹ thuật vận hành; đồng thời đảm bảo duy trì tính liên tục, hiệu quả của các hoạt động giám sát. Đảm bảo giữ vững giá trị cốt lõi là sự minh bạch xuyên suốt chuỗi giá trị sản phẩm trong mạng lưới PGS Việt Nam. Bên cạnh đó, khi có điều kiện sẽ tổ chức lại các tour du lịch trải nghiệm tại nơi sản xuất để tăng cường kết nối, chia sẻ kiến thức giữa người tiêu dùng và người nông dân đang nỗ lực sản xuất hữu cơ. 

Hệ thống PGS được hình thành từ sự kế thừa những thành quả của dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ” được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á – Đan Mạch (ADDA), phối hợp thực hiện với Hội Nông dân Việt Nam từ năm 2005. Trải qua hơn một thập kỷ phát triển, đến nay hệ thống PGS đã được công nhận bởi Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM và được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích tham gia theo Nghị định Nông nghiệp cơ (Nghị định 109/2018/NĐ-CP).   

Giang Nguyễn

Bình Luận