21-05-2424 . bởi Phạm Tâm

‘Khe hở’ của thị trường TPCN cần phải siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật

Hiện nay vấn đề kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng còn rất nhiều bất cập. Bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc tư vấn cho người dân dùng đúng thì đòi hỏi phải siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm này.

Thị trường thực phẩm chức năng với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, những ‘khe hở’ trong công tác quản lý thực phẩm chức năng hiện nay khiến các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được bán tràn lan… từ đó dẫn đến những rủi ro cho sức khỏe cho người tiêu dùng.

Bàn về thị trường thực phẩm chức năng xách tay cùng với thực trạng người tiêu dùng đang “cuồng tín” các sản phẩm này, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, những năm gần đây việc sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) bùng nổ; nhiều doanh nghiệp tăng cường sản xuất, nhập khẩu, phân phối…

Tuy nhiên, theo quy định, TPCN phải được sản xuất (hoặc nhập khẩu) trong dây chuyền đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GPM). Có sản phẩm mang tiếng TPCN nhưng sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu” là chủ yếu, tức mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi cho vào là xong. Bên cạnh đó, hiện chưa có điều khoản, quy định nào cấm bán TPCN trong chợ, trên sàn thương mại điện tử nên việc quản lý, xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều TPCN được bán ở các nhà thuốc và được quảng cáo quá sự thật, coi như thuốc điều trị bệnh.

Vấn đề TPCN còn rất nhiều bất cập, do đó bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc tư vấn cho người dân dùng đúng thì đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý.

Nên siết nhập khẩu đối với thực phẩm chức năng bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ảnh minh họa

Đồng thời nên siết nhập khẩu đối với những mặt hàng thực phẩm trong nước đã làm được và hạn chế số đăng ký bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiều người cùng kinh doanh, dễ nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh như giẫm đạp nhau hay đại hạ giá thuốc. Lâu dài, điều này gây hại cho nền công nghiệp dược vì chúng ta không khuyến khích được những nhà sản xuất bền vững, chân chính.

Thuốc là thị trường mà thị trường thì có cao có thấp, nếu cứ muốn mua thuốc thấp, chất lượng sẽ không tốt. Chất lượng thuốc không tốt, sẽ ảnh hưởng tới người bệnh, số ngày điều trị tăng lên và đồng thời gián tiếp bóp chết ngành công nghiệp dược, bóp chết những doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, muốn đầu tư vào chất lượng.

Còn theo Tiến sĩ Tạ Thanh Sơn, chuyên gia về dược học, từng có thời gian dài nghiên cứu tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg ở Đức, về bản chất, thực phẩm chức năng là một loại sản phẩm tốt cho sức khoẻ nếu như con người biết sử dụng đúng cách, hợp lý. Tuy nhiên, người dân không được xem thực phẩm chức năng là thuốc để điều trị bệnh, mà các sản phẩm này chỉ cung cấp, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất… Việc lạm dụng thực phẩm chức năng có thể gây các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng.

Ông Sơn cũng cho rằng, với những loại thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và lợi nhuận của doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn để hạn chế tối đa hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; đặc biệt thực phẩm chức năng phải được sản xuất theo tiêu chuẩn như thuốc. Cùng với đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cập nhật những kiến thức trước khi sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khoẻ.

Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng cần sớm đưa các giải pháp công nghệ vào quản lý, truy vết sản phẩm. Điều này giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị vận chuyển (logistics) cho đến cơ quan quản lý và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm.

Thông tư số: 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng Tại Điều 3 của Thông tư này thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Ngoài việc phải thực hiện theo quy định ghi nhãn đối với thực phẩm bao gói sẵn về tên sản phẩm, thành phần cấu tạo của sản phẩm và các nội dung ghi nhãn bắt buộc quy định phải tuân thủ quy định tại các điều 9, 11 và 13 Thông tư này và các quy định sau đây: Công bố khuyến cáo về nguy cơ, nếu có. Tên sản phẩm và các nội dung trên nhãn phải phù hợp nội dung đã công bố và các tài liệu kèm theo trong hồ sơ công bố sản phẩm. Tại Điều 7 quy định, việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.

An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/loan-thi-truong-nguoi-tieu-dung-cuong-tin-tpcn-som-lanh-manh-thi-truong-duoc-pham-d221298.html

Bình Luận