Phòng vệ thực phẩm để ngăn ngừa lỗ hổng an toàn
Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận đủ chuẩn xuất khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ.
FDA đã và sẽ làm việc, tiến hành kiểm tra những doanh nghiệp có chứng nhận FDA tại Việt Nam để đảm bảo việc các doanh nghiệp này tuân thủ tốt kế hoạch phòng vệ thực phẩm (Food Defense Plan). Bà Hồ Ngọc Phương Thảo, chuyên gia Dự án “Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chủ trì – thực hiện, cho biết.
Điểm yếu trong nhà máy
“Các hệ thống như đường ống, bồn chứa sản phẩm lỏng là nơi dễ bị “tấn công” nhất. Chỉ cần mở nắp bồn ra, cho những thứ khác vào sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy cần bảo vệ, phải làm khóa, giao cho người có trách nhiệm hoặc phải có hệ thống camera giám sát khu vực đó… Đây là việc phải làm để ngăn ngừa những lỗ hổng, điểm yếu trong nhà xưởng sản xuất thực phẩm”, bà Phương Thảo nhấn mạnh trong buổi đánh giá và khuyến nghị với Công ty TNHH Sầm Nhứt, một trong những doanh nghiệp ngành thực phẩm đạt chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập có quy mô sản xuất lớn ở Tây Ninh.
Đối với những sản phẩm tinh bột khoai mì, mạch nha của Sầm Nhứt xuất khẩu sang thị trường Hoa kỳ, châu Âu, cần thường xuyên cập nhật thông tin về luật định, quy định mới từ thị trường – nơi doanh nghiệp xuất hàng qua, để có biện pháp thích ứng. Bà Phương Thảo cho rằng doanh nghiệp cần có những phòng ban, cán bộ chuyên trách về tiêu chuẩn để không ngừng tiếp cận, học hỏi, điều chỉnh thích ứng yêu cầu từ các quốc gia nhập khẩu.
Các biện pháp an ninh phòng vệ thực phẩm và bảo vệ các tiến trình chế biến thực phẩm, tránh sự cố ý gây thiệt hại, tập trung vào 4 phần: (1) Các biện pháp an ninh bên ngoài, (2) Các biện pháp an ninh bên trong, (3) Các biện pháp an ninh về nhân sự, và (4) Các biện pháp an ninh phản ứng khi có xảy ra biến cố.
Kế hoạch này được phát triển qua một chuỗi nỗ lực chung giữa RTI International (Research Triangle Institute), HACCP Consulting Group, là Nhóm tập trung các đại diện kỹ nghệ, và Sở Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (Food Safety and Inspection Service – FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Đào tạo nhân lực am hiểu về tiêu chuẩn
Mỗi năm, nhà máy sản xuất khoảng 250.000 tấn tinh bột, riêng mạch nha 180 tấn/ngày. Khoảng 20% sản lượng thành phẩm được xuất khẩu, phần còn lại cung cấp cho thị trường nội địa. Ngày nay, tinh bột khoai mì được sử dụng ngày càng nhiều trong ngành thực phẩm, giấy, bao bì… Riêng sản phẩm từ mạch nha được sử dụng nhiều nhất trong ngành bánh kẹo, sữa bột và Creamer…
“Nguyên liệu sau khi được thu gom về nhà máy sẽ trải qua nhiều công đoạn đánh giá, kiểm tra lượng tinh bột, tạp chất, xử lý bảo đảm 3 yêu cầu chất lượng, an toàn và ổn định; tạo sự tin cậy và an tâm cho khách hàng và đối tác”, ông Nguyễn Thanh Lâm, CEO Công ty TNHH Sầm Nhứt, cho biết.
Theo ông Lâm, bên cạnh việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công ty thường phối hợp các đơn vị tổ chức, đào tạo chuyên môn về vận hành quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các biện pháp quản lý phòng chống rủi ro… để các thành viên công ty hiểu rõ và thực hành chặt chẽ các tiêu chuẩn mà công ty đã đạt chứng nhận. Trong đó, FSSC 22000, Organic của USDA, KOSHER, Halal, Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập là những chứng nhận tiên tiến, phổ quát nhất trong ngành thực phẩm.
Công ty đang ứng dụng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp kỵ khí và hiếu khí. Ưu điểm của hệ thống này là không chỉ giải quyết triệt để mùi hôi, chống thấm nguồn nước ngầm, đảm bảo nước thải theo tiêu chuẩn cho phép mà còn cung cấp khí để vận hành máy móc, giảm đáng kể chi phí nhiên liệu (dầu đốt) và giảm phát thải ra môi trường.
Tây Ninh có hơn 300 nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì, 3 nhà máy sản xuất mạch nha. Việc chủ động thực hiện kế hoạch phòng vệ thực phẩm là cách đóng góp nhằm giảm thiểu rủi ro do sản phẩm không an toàn và thiệt hại kinh tế; giảm thiểu trộm cắp; giảm thiểu trách nhiệm pháp lý cho công ty và giảm thiểu “nhu cầu” có thêm luật lệ về phòng vệ thực phẩm.
Phòng vệ thực phẩm (một chương trình của FDA) là thuật ngữ chung được dùng bởi FDA, USDA… để chỉ những hoạt động liên quan đến việc bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm quốc gia chống lại những hành động gây lây nhiễm hoặc can thiệp có tính toán và có chủ ý.
T. Quỳnh
Bình Luận