Tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal sang Singapore
Là thị trường nhập khẩu tới 90% thực phẩm tiêu thụ và Hồi giáo là một trong 4 tôn giáo lớn, Singapore được đánh giá là thị trường tiềm năng cho sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt.
Hiện nay thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới phục vụ khoảng 2 tỷ người. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt tới 7.000 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Sản phẩm Halal đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thực đơn của người tiêu dùng thế giới.
Singapore, một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng lại nhập khẩu tới 90% thực phẩm được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với sản phẩm Halal xuất khẩu, đặc biệt khi Hồi giáo là một trong 4 tôn giáo lớn tại đây.
Chia sẻ tại Hội nghị Thị trường Halal Singapore và kết nối giao thương do Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp tổ chức ngày 17/8, ông Cao Xuân Thắng – Tham tán, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, mỗi năm Singapore nhập khẩu khoảng 2 triệu quả trứng, 230.000 tấn thịt gà, khoảng 440.000 trái cây, 540-570.000 tấn rau. Riêng nhu cầu thủy sản nhập khẩu đạt khoảng 130 – 140.000 tấn, trong đó Việt Nam chiếm 11,1% thị phần cung cấp, chủ yếu là cá phi lê, tôm…
Mặt khác, Singapore có tỷ lệ cao dân số là người Hồi giáo, cộng đồng tôn giáo này lại thuộc nhóm dân cư có thu nhập cao và khả năng tiêu dùng lớn. Hàng năm, Singapore cũng đón nhiều du khách theo đạo Hồi.
Tại Singapore, hệ thống phân phối sản phẩm Halal được phân bổ rộng tại nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng lớn.
Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm thương mại của khu vực và thế giới, các sản phẩm tạm nhập tái xuất vào thị trường thứ 3 (bao gồm sản phẩm Halal) chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của Singapore (năm 2022 đạt khoảng 380 tỷ SGD) .
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng nhấn mạnh: “Năm 2022, thương mại Việt Nam – Singapore đạt 9,1 tỷ USD, các sản phẩm Halal đóng góp một phần không nhỏ trong bức tranh này. Sản phẩm Halal sẽ là xu hướng mới trong tương lai không chỉ đối với hàng xuất khẩu sang Singapore mà còn với các mặt hàng tái xuất khẩu sang các thị trường hồi giáo khác”.
Chia sẻ rõ hơn về yêu cầu của thị trường đối với sản phẩm Halal, bà Devi Hartaty Suratty – Giám đốc điều hành, Waress Hala Pte Ltd (tại Singapore) cho biết, các sản phẩm có chứng chỉ MUIS tại Việt Nam khi xuất sang Singapore sẽ không cần tái in. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chỉ có một đơn vị cung cấp được chứng chỉ MUIS.
Đối với sản phẩm nguyên liệu liên quan đến thịt bò, thịt gà, gia cầm bắt buộc phải có chứng chỉ Halal. Đối với các sản phẩm không liên quan đến thịt như mì gạo, hải sản… không bắt buộc phải có chứng nhận Halal. Dù vậy, với nhu cầu lớn thực phẩm Halal, bà Devi Hartaty Suratty cho rằng doanh nghiệp nên có chứng nhận này nếu muốn mở thêm tệp khách hàng là người Hồi giáo, tiếp cận thị trường Singapore sâu, rộng hơn.
Mặt khác, các sản phẩm Halal, không có chứng chỉ Halal khi xuất khẩu sang Singapore cần được tách biệt rõ ràng. Trong trường hợp giới hạn kho bãi thì cần đóng gói riêng từng hộp.
Lê Hồng Nhung
Bình Luận