Xuất khẩu gia vị sang Trung Đông và Châu Phi: Cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm
DNVN – Để xuất khẩu hiệu quả mặt hàng gia vị sang thị trường tiềm năng Trung Đông và Châu Phi, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần cập nhật thông tin thị trường, đặc biệt cần xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm tiêu biểu…
Nhiều tiềm năng
Tại phiên tư vấn xuất khẩu gia vị sang thị trường Trung Đông và Châu Phi do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 27/7 tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết: Hiện nay, khu vực Trung Đông, Châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng gia vị nói riêng sang thị trường mới còn nhiều tiềm năng này là một hướng đi đúng đắn cho các DN Việt Nam.
Nói về tiềm năng của thị trường Ả-rập Xê-út, ông Trần Trọng Kim – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út chia sẻ, quốc gia này tiêu thụ rất nhiều loại gia vị khác nhau, hầu hết là nhập khẩu từ nước ngoài trong đó có Việt Nam. Thói quen mua sắm nhiều và thường xuyên của người Ả-rập là một điểm thuận lợi cho các nước xuất khẩu hàng hóa vào thị trường bao gồm cả Việt Nam.
Các loại gia vị, hạt tiêu đến từ Việt Nam có kim ngạch khoảng trên 10 triệu USD mỗi năm. 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Ả-rập xê-út trị giá 5,8 triệu USD.
Theo các diễn giả, Trung Đông và Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tương đối cao, trong đó có mặt hàng gia vị.
Trong khi đó, thông tin về khuynh hướng sử dụng gia vị của Nam Phi, ông Phạm Thanh Hải – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho biết, người dân nước này quan tâm đến sức khỏe lâu dài nên họ hay dùng tinh chất nghệ để chống lão hóa tế bào da, dùng quế giúp giảm cholesterol. Đặc biệt, người tiêu dùng tăng cường dùng quế pha vào cà phê và thức uống hàng ngày.
Người dân nơi đây cũng đang thử dùng các gia vị mới chế biến các món ăn Châu Á (Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản) hay Nam Châu Âu và Trung Đông.
Theo thống kê của Bộ Công Thương và Cạnh tranh Nam Phi, năm 2021, Nam Phi nhập khẩu gần 11,8 triệu USD hạt tiêu – tăng 23,5% so với 2020, chiếm 32% tổng nhập khẩu hạt tiêu vào Nam Phi.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Iran, bà Nguyễn Thị Hiền Giang – Giám đốc Công ty TNHH TM Lâm Thành Hưng cho biết, người Iran rất ưa chuộng hàng hóa sản xuất mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”. Gia vị hàng hoá của Việt Nam không bị cạnh tranh với các mặt hàng trong nước mà mang tính bổ trợ cho các mặt hàng của Iran.
Cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm
Tại phiên tư vấn, các diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu sản phẩm gia vị và một số điều cần biết khác khi kinh doanh các sản phẩm gia vị với các thị trường này.
Theo ông Trần Trọng Kim – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, việc xây dựng thương hiệu riêng là rất quan trọng. Nhưng thực tế một số nhà nhập khẩu luôn đề nghị nhà sản xuất đóng gói, dán nhãn mác theo thương hiệu riêng của họ và đưa vào thị trường. Do đó, việc khẳng định thương hiệu Việt Nam tại thị trường còn rất mờ nhạt. Đề nghị doanh nghiệp xây dựng một số thương hiệu riêng cho sản phẩm tiêu biểu để thử nghiệm thị trường song song với việc sản xuất theo thương hiệu của khách hàng.
Ông Trần Trọng Kim – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, cho rằng việc xây dựng thương hiệu riêng là rất quan trọng.
Ả-rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Do đó, những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giáo cao và đang có nhu cầu trong trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Việc thanh toán, DN được khuyến nghị thực hiện theo hình thức LC không hủy ngang, có đặt cọc để đảm bảo. Không giao dịch với đối tác môi giới mà yêu cầu công ty Việt Nam chuyển trước phí môi giới, phí luật sư, phí chấp thuận hợp đồng… Đây là những hoạt động các đối tượng lừa đảo hay sử dụng để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp.
Người Trung Đông có thói quen “mắt thấy tay sờ”, nhìn hàng tận mắt, doanh nghiệp nên gửi mẫu cho khách trước. Đồng thời gửi cho Thương vụ để trưng bày tại phòng giới thiệu hàng xuất khẩu của Việt Nam và tại các sự kiện ngoại giao kinh tế phối hợp giữa Thương vụ với các phòng thương mại và công nghiệp địa phương.
Với thị trường Iran, bà Nguyễn Thị Hiền Giang – Giám đốc Công ty TNHH TM Lâm Thành Hưng cho rằng, DN Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, thiếu thông tin, vị trí địa lý xa, hay tình trạng cấm vận.
Iran là nước sản xuất gia vị lớn trên thế giới nên DN Việt Nam khi đã có kiến thức về gia vị thì cũng có thể nghiên cứu nhập khẩu gia vị của Iran bởi những lợi ích dược liệu và trị liệu mà các loại gia vị này mang lại.
Người Iran không chỉ quan tâm đến mùi hương và màu sắc của các loại gia vị mang lại mà họ còn đặc biệt quan tâm xem loại gia vị đó có tính trị liệu gì và có mang lại lợi ích cho sức khỏe không. Đây là điều các DN Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm.
Trong khi đó, ông Trương Xuân Trung – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến cáo, các loại thuế quan và thuế quan được sửa đổi liên tục nên các DN phải kiểm tra lại những nội dung này trước khi xuất khẩu.
Ngoài ra, UAE duy trì một danh sách đầy đủ các yêu cầu đối với bao bì và hộp đựng thực phẩm với hơn hai chục quy định của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa vùng Vịnh liên quan đến một loạt vật liệu tiếp xúc với thực phẩm. Các nhà sản xuất thực phẩm Việt Nam quan tâm đến xuất khẩu sang UAE nên xác nhận với đơn vị nhập khẩu về các quy định áp dụng cho gói thực phẩm của họ.
Nguyệt Minh
Bình Luận