Chậm ban hành văn bản pháp luật thực thi CPTPP khiến doanh nghiệp thiệt thòi
CPTPP có nhiều cam kết, tiêu chuẩn cao hơn WTO nên đặt ra yêu cầu phải thay đổi các quy định pháp luật trong nước để đáp ứng những cam kết này. Khoảng 89 nhóm cam kết CPTPP cần phải được thực thi trong pháp luật Việt Nam…
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam được gần 03 năm. Trong thời gian này, Việt Nam đã triển khai một khối lượng công việc lớn để thực thi CPTPP. Trong đó, đáng chú ý nhất là công tác xây dựng pháp luật thực thi các cam kết thế hệ mới, tiêu chuẩn cao của CPTPP.
Để đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật đã triển khai, nhận diện tác động tới doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện khảo sát đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP.
Tại hội thảo “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và hàm ý chính sách”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết có khoảng 89 nhóm cam kết CPTPP cần phải được thực thi trong pháp luật Việt Nam thông qua các hoạt động xây dựng pháp luật. Nhưng con số này nếu so với 6.000 trang văn bản của CPTPP thì hơi ít.
Hiện có tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản đang được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019 – 2021.
Trong đó, có 2 luật, 2 nghị định và 7 thông tư, thực thi 63 nhóm cam kết CPTPP về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động… đều đảm bảo phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, đúng thẩm quyền, trình tự, thể thức và cơ bản hài hòa, không mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật liên quan.
Qua quá trình rà soát, VCCI nhận thấy, hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của Việt Nam trong thời gian qua tập trung chỉ vào 2 mục tiêu: làm sao để tổ chức thực thi được các cam kết CPTPP trên thực tế và làm thế nào để hệ thống pháp luật trong nước đảm bảo tương thích với các cam kết tiêu chuẩn cao của CPTPP.
Trong 11 văn bản thì có 10 văn bản công khai dự thảo trên website bộ chuyên ngành, giúp doanh nghiệp tiếp cận được dự thảo trong quá trình đang xây dựng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp biết đến dự thảo trên các website này không nhiều.
Về thời điểm ban hành và có hiệu lực, theo bà Trang, các văn bản được rà soát đều ban hành chậm so với yêu cầu CPTPP. 11 văn bản có 8 văn bản ban hành năm 2019, 3 văn bản ban hành năm 2020.
Như vậy, trung bình mỗi văn bản chậm 246 ngày. Song phần lớn văn bản đều có quy định hồi tố (áp dụng cho những giao dịch có liên quan được thực hiện trước thời điểm ban hành).
Có điều, bà Trang nhận định: “sự chậm trễ trong ban hành văn bản pháp luật khiến doanh nghiệp thiệt thòi. Vì ban hành chậm thì việc tận dụng các cơ hội, các quyền của doanh nghiệp sẽ chậm. Thực hiện trực tiếp còn khó khăn huống chi hồi tố”.
Đánh giá về chất lượng của 11 quy định, VCCI cho rằng phần lớn tương thích với CPTPP. Và hầu hết các quy định thực thi CPTPP đều đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng tuy nhiên còn một số điểm chưa minh bạch, rõ ràng lắm để doanh nghiệp hiểu được như ký hiệu (CC, CTH… ) trong Thông tư quy tắc xuất xứ của từng nhóm mặt hàng.
Do đó, để hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP có hiệu quả, bà Trang khuyến nghị, trong giai đoạn rà soát trước khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định, hoạt động rà soát cần có cách tiếp cận toàn diện và liên ngành, bao trùm toàn bộ hệ thống pháp luật hơn là chỉ rà soát các văn bản ở cấp độ luật, nghị định, thông tư.
Vai trò thẩm định kết quả rà soát, kết nối và bao quát các lĩnh vực trong trường hợp có liên quan tới nhiều chế định pháp luật khác nhau của Bộ Tư pháp cần được nhấn mạnh hơn, với sự tham gia sâu hơn của cơ quan này vào quá trình rà soát của các bộ ngành chủ trì từng chế định.
Đồng thời quá trình rà soát phải được thực hiện minh bạch, với thông tin rõ ràng và kịp thời về các kết quả rà soát từng thời điểm, đặc biệt chú trọng việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng chịu ảnh hưởng từ với các dự thảo kết quả rà soát cũng như giải pháp thể chế dự kiến.
Ở khía cạnh này, sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp mà đặc biệt là các tổ chức đại diện doanh nghiệp (hiệp hội doanh nghiệp, VCCI) cũng là điều cần chú ý. Hiệu quả của tham vấn phải xuất phát ở cả hai chiều: cơ quan tham vấn và đối tượng được tham vấn.
Việc lên kế hoạch cho hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thực hiện sau đó của các bộ ngành. Kế hoạch càng chi tiết, càng chính xác và dự kiến đúng thực tiễn thì hoạt động triển khai thực hiện sau đó càng thuận lợi và nhanh chóng…
Bình Luận