Từ 01/01/2022, doanh nghiệp cần có mã số nếu muốn vào thị trường Trung Quốc
320 mã sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, sáng ngày 24/12, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang cập nhật, công bố kết quả phê duyệt doanh nghiệp được phép nhập khẩu sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và mã số sản phẩm để doanh nghiệp để in bao bì, nhãn mác.
Thông tin cho biết, tính đến 11h ngày 24/12/2021 đã có 320 mã sản phẩm của các doanh nghiệp của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan trước đó đã ban hành Lệnh 248 “Các quy định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đăng ký và quản lý doanh nghiệp nước ngoài” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Như vậy, toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc từ sau ngày 01/01/2022.
Các doanh nghiệp đăng ký được phân loại theo mức độ rủi ro: Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp sản xuất 18 loại thực phẩm xuất khẩu (bao gồm sản phẩm thủy sản) do Cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đề nghị đăng ký với Tổng cục Hải quan.
Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm không nằm trong 18 loại thực phẩm nêu trên. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này sẽ tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đơn vị trung gian thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Đối với các cơ sở đã có tên trong danh sách được phép xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ được tiếp tục xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc trong thời gian tới (kể cả sau ngày 01/01/2022).
Từ ngày 01/01/2022, các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đã đăng ký sẽ phải in mã số (bên trong và bên ngoài của bao bì sản phẩm) được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp hoặc mã số do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Như vậy, với nội dung ban hành trong Lệnh 248 và 249, thị trường Trung Quốc có nhiều quy định đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu vào nước này; các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm xuất khẩu do mình sản xuất và kinh doanh.
Do vậy, doanh nghiệp cần theo dõi các quy định từ các lệnh ban hành từ phía Trung Quốc để có thể đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường này.
Bùi Hằng
Bình Luận