Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trước hàng rào quy định mới
Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc cũng đều yêu cầu các điều kiện như: mã số vùng trồng, đóng gói, sản phẩm không có tồn dư những loại thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… mà hiện nay xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc cũng đều yêu cầu các điều kiện như: mã số vùng trồng, đóng gói, sản phẩm không có tồn dư những loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép, hoặc vượt quá mức cho phép.
Thậm chí, doanh nghiệp sẽ không được tự do xuất khẩu sang thị trường này khi chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số. Trung Quốc sẽ thực thi nhiều quy định mới trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm từ 1/1/2022. Điều này đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp Việt không thể giữ suy nghĩ về xuất khẩu sang Trung Quốc dễ dàng như trước đây.
Từ năm 2022, Lệnh số 248 quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh số 249 về các Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực. Cùng với đó, để đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), so với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới thêm 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thêm 2.985 loại, tăng 42%.
Để tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn GB 2763-2021 cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… Cùng với đó là ảnh hưởng, tác động của dịch COVID-19, Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện nhập cảnh… sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường này.
Về thực trạng vi phạm hàng nông sản thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Nông Đức Lai cho biết, trong 9 tháng năm 2021, chưa kể các mặt hàng rau quả, có 138 lượt hàng hóa thực phẩm vi phạm. Nhóm hàng vi phạm gồm thủy sản, đồ uống, hạt vỏ cứng, sản phẩm chế biến như bánh phở, bún khô, đường, gạo. Các vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, không đáp ứng được các quy trình thủ tục nhập khẩu.
Từ các vi phạm sẽ dẫn đến hậu quả Hải quan Trung Quốc tạm dừng doanh nghiệp xuất khẩu; tạm dừng một số mã vùng xuất khẩu. Khi vi phạm, các doanh nghiệp bị tạm dừng xuất khẩu sẽ rất khó được khôi phục tư cách xuất khẩu. Có doanh nghiệp đã nộp báo cáo, cách khắc phục cả năm nhưng cũng chưa được xem xét xuất khẩu.
Do dịch COVID-19 nên các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành đánh giá, kiểm tra doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, việc vượt qua được bài kiểm tra này cũng không hề đơn giản. Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An chia sẻ, những sai sót rất đơn giản đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn cũng không đạt được yêu cầu chứ chưa nói gì các đơn vị nhỏ.
Chẳng hạn như vùng trồng không có khu vực lưu trữ quả sau khi thu hoạch, hầu hết các giỏ đựng trái cây đều đặt trực tiếp xuống cỏ và không có tấm trải, rất dễ nhiễm các sinh vật gây hại đi theo từ cỏ dại, đất… Hay trong quá trình kiểm tra hầu hết các chủ vườn không nắm được toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch như về điểm tập kết hàng, tuổi quả…
Với cơ sở đóng gói thì không có bồn rửa tay và không có đủ phương tiện khử trùng cho nhân viên. Hay các cơ sở đóng gói không cung cấp được hồ sơ hay hợp đồng với thu dọn môi trường, dụng cụ vận chuyển và dụng cụ vận hành…
Không chỉ vậy, ông Ngô Xuân Nam cho biết thêm, có thể doanh nghiệp làm tốt các khâu trên nhờ có đội ngũ tư vấn, nhưng chính chủ doanh nghiệp, cơ sở khi bị phía Trung Quốc kiểm tra mà không nắm và hiểu biết về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn… thì doanh nghiệp đó cũng bị loại.
Trước việc sản xuất chưa chỉnh chu của nhiều đơn vị, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu nhận định là do doanh nghiệp còn ỷ lại vào thị trường Trung Quốc trước đây. Tuy nhiên, thị trường này đang thay đổi rất nhiều về quy định nhập khẩu. Điều này sẽ là bước đệm để cả ngành nông nghiệp, các địa phương và doanh nghiệp phải cùng thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Doanh nghiệp cần chỉnh chu trong việc chấp hành các quy định của Trung Quốc.
“Khi chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam được nâng cao thì việc liên kết, tiêu thụ của doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều rủi ro để bước ra thị trường thế giới”, bà Ngô Tường Vy đánh giá.
Theo bà Ngô Tường Vy, việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia tích cực của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Thực tế có nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến nâng cao chất lượng nông sản. Các cơ quan chuyên môn, quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, nông dân.
Theo ông Nông Đức Lai, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất, tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng cao của Trung Quốc. Các vùng nuôi, trồng nông thủy sản, cơ sở chế biến đóng gói phải đảm bảo các điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn an toàn đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng an toàn vệ sinh thực phẩm, kể cả trường hợp nước nhập khẩu cần kiểm tra.
“Chú trọng và quan tâm về bao bì, không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu, quy định của Trung Quốc mà còn nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với sản xuất và các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Nhiều khi cảm quan thấy sản xuất đã tốt, nhưng kiểm tra sản phẩm vẫn vi phạm. Do đó, doanh nghiệp cần am hiểu sâu về kỹ thuật an toàn thực phẩm để kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm thường xuyên”, ông Ngô Đức Lai khuyến cáo.
Ông Ngô Xuân Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận về các yêu cầu của thị trường. Bởi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính./.
Bích Hồng
Bình Luận