Trung Quốc vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu nông sản Việt lớn trong 2022
Trung Quốc – quốc gia đông dân và có nền kinh tế phát triển nhất châu Á vẫn được giới chuyên môn đánh giá là thị trường quan trọng của nông sản Việt trong 2022 bất chấp những hiện trạng ách tắc cửa khẩu và ảnh hưởng của đại dịch.
Theo số liệu tổng hợp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020, nhập khẩu đạt 2,85 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ 2020. Đáng chú ý, cả 9/11 nhóm mặt hàng xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020 bao gồm: rau quả đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6%; gạo đạt 494,7 triệu USD, tăng 14,6%; hạt điều đạt 563,1 triệu USD, tăng 24,8%; cà phê đạt 113,7 triệu USD, tăng 40,7%; chè đạt 13,7 triệu USD, tăng 28,1%; cao su đạt 1,96 tỷ USD, tăng 26,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,36 tỷ USD, tăng 26,6%; sắn và sản phẩm sắn đạt 994 triệu USD, tăng 25,5%; thức ăn gia súc đạt 330,7 triệu USD, tăng 75,6%. Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2020: thủy sản đạt 862,8 triệu USD, giảm 21,6%; sản phẩm mây tre, cói, thảm đạt 7,8 triệu USD, giảm 23,1%.
Riêng đối với mặt hàng rau quả, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 261,5 triệu USD, tăng 9% so với tháng 10. Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 54% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Mặt hàng thanh long chiếm tỷ trọng cao nhất, giá trị lớn nhất trong xuất khẩu qua tỉnh này. Số liệu cụ thể năm 2019 đạt 800 triệu USD, năm 2020 là 600 triệu USD, năm nay do dừng từ ngày 18/7 thì đạt 450 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng đà tăng trưởng của ngành hàng rau quả đang bị cản trở bởi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 theo chiến lược “zero Covid”. Tình trạng này sẽ kéo dài trong 3-6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022.
Mai Chi
Bình Luận