Triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với Hong Kong
Giám đốc điều hành Tập đoàn Golden Resources Development chia sẻ với phóng viên TTXVN về triển vọng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Hong Kong (Trung Quốc) sau đại dịch.
Nhân dịp Hội nghị “Phục hồi nền kinh tế sau đại dịch: Quan hệ đối tác Việt Nam-Hong Kong” được diễn ra theo hình thức trực tuyến do Bộ Công Thương Việt Nam và Cục Phát triển Kinh tế và Thương mại Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) phối hợp tổ chức vào ngày 20/9, phóng viên TTXVN tại Hong Kong đã phỏng vấn ông Anthony Lam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Các ngành công nghiệp Hong Kong (FHKI), Giám đốc điều hành và Phó Chủ tịch Tập đoàn Golden Resources Development về những lĩnh vực công nghiệp tiềm năng cũng như triển vọng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Hong Kong sau đại dịch. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Liên đoàn Công nghiệp Hong Kong (FHKI) là một trong những phòng thương mại và công nghiệp lớn nhất và quan trọng nhất ở Hong Kong. Xin ông cho biết thêm về các ngành công nghiệp chính của Hong Kong? Theo ông, những lĩnh vực công nghiệp tiềm năng nào Việt Nam có thể hợp tác với Hong Kong?
Ông Anthony Lam: FHKI là một trong 4 Phòng thương mại lớn nhất Hong Kong, hoạt động thuộc Chính quyền Hong Kong. Là một cơ quan thuộc chính phủ nên mọi thay đổi hay chính sách của chúng tôi phải được sự đồng ý của Chính quyền Hong Kong. FHKI có vai trò thúc đẩy ngành Công nghiệp Hong Kong. Chúng tôi có những giai đoạn phát triển khác nhau đối với ngành công nghiệp.
Trước kia, các nhà máy của các công ty Hong Kong đều hoạt động tại địa bàn, tuy nhiên sau này cùng với sự mở cửa của Trung Quốc, các nhà máy đã dịch chuyển sang phía Nam Trung Quốc. Hiện nay, hơn 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sông Châu Giang đến từ các công ty của Hong Kong. Là một nền kinh tế tự do, Hong Kong có vị trí đặc biệt, ở trong top 3 hoặc top 2 thế giới (tùy từng năm) trong lĩnh vực tài chính, do đó hầu hết các trụ sở chính của các công ty được đặt tại Hong Kong.
Trong thời gian gần đây, với nhiều nguyên nhân khác nhau như về giá lao động tăng cao cũng như “các vấn đề quốc tế khác”, nhiều công ty đang hướng tới “chính sách Trung Quốc +1” (China Plus One Policy), nghĩa là ngoài nhà máy ở Trung Quốc, các công ty có thể mở thêm các nhà máy ở nơi khác.
Do đó, trong thời gian qua rất nhiều các nhà sản xuất của Hong Kong đã chuyển sang mở rộng sản xuất ra các nước ngoài Trung Quốc. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những điểm đến của các công ty, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một lựa chọn rất tốt.
Vì Việt Nam có kết nối đường bộ với Trung Quốc. Các nhà sản xuất có thể dễ dàng dịch chuyển các nhà máy từ Quảng Đông, Quảng Tây sang Việt Nam sản xuất rồi xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Australia.
Việt Nam có hơn 97 triệu dân, vì vậy nên tập trung phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao (các dây chuyển sản xuất tự động, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI…) thay vì các ngành sử dụng nhiều lao động, tránh lặp lại như Trung Quốc trong thời kỳ trước đây.
Thế hệ trẻ Việt Nam là một lực lượng lao động rất tiềm năng, có trình độ giáo dục cao, làm việc rất chăm chỉ, có chí tiến thủ, đây là một lợi thế và điểm khác biệt đối với lao động tại Việt Nam và một số nước ASEAN khác. Ngoài ra, lợi thế về logistic như đã nói trên là những yếu tố thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Trước đây và cả hiện nay, Hong Kong phát triển trong các ngành như điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, nhựa, trang sức và đá quý…
Giờ đây, Trung Quốc và cả Hong Kong đang tập trung nhiều nguồn lực cho việc phát triển các ngành công nghiệp y tế, dược phẩm… Trong những năm trước, các bạn có thể thấy rất nhiều nhà máy dệt may, điện tử Hong Kong được thành lập tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo tôi, trong thời gian tới ngành dược phẩm, y tế cũng là ngành rất tiềm năng mà Hong Kong có thể đầu tư tại Việt Nam do những lợi thế về nguồn lao động trẻ, chất lượng cao tại Việt Nam.
Phóng viên: Được biết ngoài vị trí là Phó Chủ tịch FHKI, ông còn là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Golden Resource. Tập đoàn của ông đã có thời gian kinh doanh, đầu tư lâu năm và rất thành công tại Việt Nam. Theo ông, so với các nước ASEAN, Việt Nam có lợi thế và có lĩnh vực gì để phát triển hơn nữa nhằm tạo môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và mở rộng hoạt động tại Việt Nam?
Ông Anthony Lam: Tập đoàn Golden Resource đã đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gần 30 năm nay. Chúng tôi là một trong những công ty thu mua lúa gạo đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu sang Hong Kong và các nước khác.
Thế mạnh của Việt Nam như tôi đã nói là thế hệ trẻ của Việt Nam là những người làm việc rất chăm chỉ, có trình độ giáo dục cao, sẵn sàng học hỏi.
Cũng giống như nhân viên của tôi ở Việt Nam, họ rất chăm chỉ học hỏi, ngoài việc tham gia các khóa đào tạo của công ty, sau giờ làm, họ tiếp tục bổ túc các kiến thức về kế toán, ngoại ngữ…
Nhìn chung, tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam tin tưởng ở tương lai, sự phát triển của đất nước, có chí tiến thủ, sẵn sàng tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo. Do đó với những lợi thế về lực lượng lao động như hiện nay, phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao là một lĩnh vực Việt Nam có thể đầu tư.
Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, khuyến khích phát triển nâng cao kiến thức về công nghệ.
Vì trong chuỗi dịch chuyển sản xuất toàn cầu, khi các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sẽ đi kèm với một hệ thống các nhà sản xuất, cung cấp, hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ xung quanh.
Những nhà máy này cũng phải là các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, chính phủ nên hỗ trợ xây dựng những khu công nghệ cao, nhà máy, văn phòng… thì các tập đoàn quốc tế sẽ nhanh chóng chuyển đến Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế đặc biệt hơn so với các nước ASEAN khác là có kết nối về đường bộ với Trung Quốc, cho nên việc thiết lập các khu công nghiệp công nghệ cao như vậy ở miền Bắc sẽ có lợi thế hơn cả.
Thêm vào đó logistic cũng là một yếu tố quan trọng. Để thu hút được đầu tư thì dịch vụ logistic cần phải nhanh và trơn tru. Hiện tại các chuyến hàng đi châu Âu, châu Mỹ từ Việt Nam vẫn phải trung chuyển qua Singapore. Nếu Việt Nam đầu tư các cảng biển có thể chuyển thẳng từ Việt Nam đi châu Âu, châu Đại Dương thì sẽ thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Hong Kong nói riêng.
Cuối cùng, FHKI luôn khuyến khích các thành viên tìm hiểu và đến Việt Nam. Sau dịch COVID-19, FHKI cũng có kế hoạch sẽ đưa đoàn các doanh nghiệp Hong Kong sang thăm quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Các nhà đầu tư Hong Kong, cũng như các nhà đầu tư Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản sẽ tự tin và cảm thấy yên tâm đầu tư vào Việt Nam hơn khi họ đi theo các nhóm ngành, nhóm các nhà đầu tư. Nếu Việt Nam có các khu công nghiệp được xây dựng sẵn để họ chỉ chuyển vào là hoạt động được thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tôi cũng hy vọng sẽ sớm được trở lại Việt Nam, vì đã hơn một năm rưỡi qua, tôi cũng chưa được trở lại nhà máy của mình ở Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.
Bình Luận