Thương mại điện tử tăng trưởng trên 20% nhưng ai sẽ là người dẫn dắt cuộc chơi?
Ước tính năm 2021, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022, tuy nhiên phần lớn nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đang hoạt động ở Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa công bố báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022.
Sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng ngày càng phổ biến. |
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai.
Năm 2021, Việt Nam đã trải qua hai đợt dịch COVID-19. Khi bắt đầu đợt dịch đầu tiên vào tháng 2 đã có những lo ngại dịch bệnh sẽ tác động lớn tới đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử cho năm này cũng như cả giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021-2025.
Tuy nhiên, các thương nhân và người tiêu dùng đã nhanh chóng thích nghi và năng động, chủ động hơn trong hoạt động chuyển đổi số và kinh doanh trực tuyến. Nhờ đó, thương mại điện tử năm 2020 vẫn phát triển mạnh mẽ.
Từ tháng 6 đến tháng 9/2021, Việt Nam trải qua đợt dịch COVID-19 lần thứ tư gây ra những tác động nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khó khăn này, thương mại điện tử tiếp tục đứng vững và trải qua làn sóng thứ hai. Trong làn sóng này, hoạt động chuyển đổi số của cả thương nhân và người tiêu dùng còn thể hiện rõ ràng hơn làn sóng thứ nhất.
Đáng chú ý, báo cáo trên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng đánh giá sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng (Social Commerce), có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong giai đoạn tới ở Việt Nam. Điều này tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo ra nhiều việc làm mới tại các địa phương.
Tuy nhiên, những mạng xã hội hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán theo mô hình này đều của nước ngoài, bao gồm Facebook, Youtube, Tik Tok. Rõ ràng, về phương diện cá nhân, hoạt động kinh doanh của người bán quá phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro này còn lớn hơn nữa nếu xét trên phương diện quốc gia. Nhưng để các mạng xã hội trong nước chiếm ưu thế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Bên cạnh nhiều yếu tố khác, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng một mạng xã hội thành công chắc chắn cần những khoản đầu tư đáng kể. Tới nay, một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam như VNG (Zalo), Viettel Telecom (Mocha), VCCorp (Lotus) đã xây dựng các mạng xã hội của mình. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp cũng năng động xây dựng mạng xã hội.
Mặc dù kỳ vọng Việt Nam có mạng xã hội riêng được sử dụng phổ biến còn khá xa vời nhưng nếu có sự đầu tư thỏa đáng của doanh nghiệp, mạng xã hội của Việt Nam có thể có chỗ đứng vững chắc trong các thị trường ngách cũng như trong cuộc chơi cách mạng bán lẻ mới.
“Trong khi việc nhà nước nước trực tiếp đầu tư và vận hành một mạng xã hội là không khả thi thì câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt là xây dựng mạng xã hội là họ có thể tìm kiếm vốn đầu tư từ đâu để mạng xã hội của họ vừa thu hút được đông đảo người dùng vừa thực sự là của Việt Nam”, báo cáo đặt vấn đề.
Do vậy, báo cáo chỉ ra một thực tế là phần lớn nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đang hoạt động ở Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp qua biên giới như Facebook, Google, TikTok, Agoda hoặc là của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp như Shopee, Lazada, Grab, Traveloka, hoặc do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và vận hành nhưng tỷ lệ vốn góp của nước ngoài tương đối cao như Tiki, Sendo, Momo, VNPay.
“Muốn thương mại điện tử phát triển nhanh hơn nhất thiết phải thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ dẫn dắt cuộc chơi này trong giai đoạn tới và những tác động của nó tới thương mại điện tử và kinh tế số của đất nước”, Hiệp hội Thương mại điện tử nêu vấn đề.
Thy Lê
Bình Luận