06-07-2222 . bởi Phạm Tâm

Nông sản Việt có tận dụng được ‘cơn sốt’ lương thực, thực phẩm toàn cầu?

Một số khu vực trên thế giới đang đứng trước tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực, thực phẩm, giá cả leo thang. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, rau quả, thủy sản… có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu với giá cao nhưng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về khâu vận chuyển, nguồn nguyên liệu.

Chiến sự Nga – Ukraine, dịch COVID-19 đang khiến nhiều khu vực trên thế giới đứng trước tình trạng khan hiếm lương thực, giá cả đắt đỏ. Đây được đánh giá là cơ hội cho Việt Nam – quốc gia có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.

Giá gạo xuất khẩu chưa tăng như kỳ vọng

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đặt vấn đề: Nhiều thông tin đánh giá về tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ là cơ hội cho các loại nông sản Việt Nam đến gần với người tiêu dùng thế giới, nhưng thực tế đến thời điểm này, giá gạo xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long không tăng nhiều như kỳ vọng. Trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng, giá lúa gạo không tăng tương ứng sẽ là trở ngại rất lớn với sản xuất lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, vì đây là vùng sản xuất trọng điểm.

XK-gao-5956-1657012878.png
Lợi nhuận của người nông dân trồng lúa bị giảm vì giá đầu ra chưa tăng tương xứng với chi phí đầu vào. 

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ với VnBusiness rằng, giá gạo xuất khẩu phân khúc chất lượng cao thì tăng mạnh, những loại gạo thơm bán được giá trên 1.000 USD/tấn; còn với các loại cấp thấp hay trung bình, giá chỉ dao động trên 400 USD/tấn.

Ông Bình đánh giá, nhìn chung giá gạo xuất khẩu có tăng nhưng để kỳ vọng tăng cao thì khó, nhất là tận dụng thời cơ từ chiến sự Nga – Ukraine.

“Chi phí vật tư nông nghiệp, phân bón khá cao khiến lợi nhuận của người nông dân bị suy giảm. Còn với doanh nghiệp do chi phí logistics cao gấp 3-4 lần nên lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng”, ông Bình cho hay.

Đại diện Trung An kỳ vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể đạt con số khoảng 6,4 – 6,5 triệu tấn. Đến nay, đầu ra của gạo Việt Nam tương đối ổn, khá hơn năm trước. Tuy nhiên, khủng hoảng thiếu lương thực như ở châu Âu, châu Phi cũng không ảnh hưởng nhiều tới giá gạo Việt Nam.

Với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ chưa có năm nào khách hàng quốc tế đặt hàng lớn như năm nay, trung bình mỗi tháng đạt gần 1 tỷ USD. Kỳ vọng 6 tháng cuối năm, XK thủy sản có thể đạt kim ngạch 10 tỷ USD.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy trong tháng 6/2022, điểm sáng trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu thủy sản với kim ngạch ước tính đạt 1,05 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 39,6% do nhu cầu cao của thị trường thế giới đối với thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà ngành thủy sản đang gặp phải hiện nay là áp lực về chi phí. Ông Nam cho biết ngành thủy sản đang chịu sức ép lớn từ chi phí logistics. Hiện nay, chi phí xuất khẩu 1 container 40 feet sang Mỹ ở mức hơn 400 triệu đồng. Chi phí đội thêm này sẽ phân bổ vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh.

Muốn tăng giá thì phải tăng chất lượng

Theo ông Nam, các địa phương đô thị hoá ngày một nhiều, khiến đất cho nuôi trồng thuỷ sản bị thu hẹp. Thách thức lớn nhất của ngành là phải có vùng nuôi tập trung để có lợi thế quy mô, sản lượng lớn. “Chúng ta có chất lượng chế biến tốt rồi, thì cần phải có nguồn nuôi cho tốt vì mỗi đơn hàng của doanh nghiệp trung bình từ hàng chục container trở lên. Nếu không phát triển lợi thế quy mô, chúng ta sẽ bị Ấn Độ, Ecuador vượt qua”, đại diện VASEP chia sẻ.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng chia sẻ bất lợi lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang đối mặt là khó khăn về chi phí logistics. Theo đó, muốn cạnh tranh thì cần nâng cao chất lượng. Chi phí giá thành bị đội lên cao, nông sản Việt muốn tăng giá thì phải nâng cao chất lượng, vì người tiêu dùng chỉ chấp nhận trả giá cao để mua sản phẩm đó khi đổi lại họ được sử dụng sản phẩm chất lượng.

Về thị trường rau quả năm nay, đại diện Chánh Thu cho biết đơn hàng khá dồi dào, doanh nghiệp chỉ lo không có đủ sản lượng để đáp ứng theo yêu cầu của đối tác. “Đây vừa là tín hiệu vừa là áp lực lớn để doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tự tin xây dựng chuỗi liên kết bền vững, tạo dựng niềm tin làm ăn lâu dài với đối tác”, bà Vy cho hay.

Về lo ngại nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chưa tận dụng tốt nhu cầu tăng cao từ thế giới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, không chỉ giá lương thực mà sản phẩm khai thác thủy sản cũng chưa đạt kỳ vọng do áp lực chi phí quá lớn. Thị trường, kết nối cung cầu bị đứt gãy, chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra nên khâu vận chuyển, logistics gặp nhiều khó khăn. “Nhu cầu về lương thực, thực phẩm của thế giới rất lớn, nhưng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển nên ảnh hưởng tới khả năng cung ứng nông sản Việt Nam ra thế giới”, ông Tiến chia sẻ. 

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết cần phải triển khai nhiều giải pháp để hạ giá thành sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ thay vô cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Điều này giúp hạ giá thành sản xuất, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. 

Nhật Linh

Bình Luận