29-04-2222 . bởi Phạm Tâm

Ngành hàng rau quả Việt có tận dụng ưu thế sẵn có?

Mặc dù có ưu thế từ những giống rau củ quả ngon, giàu chất dinh dưỡng, thế nhưng ngành hàng rau quả Việt vẫn nơm nớp lo đầu ra vì yếu về mặt truyền thông so với trái cây nhập khẩu. Ngoài ra, điều mong mỏi là các yếu tố nội tại của ngành hàng này như thương hiệu và chất lượng sẽ có tác động tốt hơn vào việc tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.

Bước chân vào khu vực bán rau củ quả ở đại siêu thị MM Mega Market ở đường Bình Phú, quận 6 (Tp.HCM) sẽ thấy có sự tương phản rõ rệt giữa kệ hàng trái cây tươi nhập khẩu và kệ hàng trái cây nội địa. Trong khi có những loại trái cây Việt được chất đống, bày bán la liệt trên kệ vẫn ế chỏng chơ, thì trái cây ngoại lại được bày biện tinh tươm, đóng hộp ăn liền với bao bì cực kỳ bắt mắt.

Bài học ngay trên “sân nhà”

Với tâm lý sính ngoại, lại được rỉ tai nhau về mức độ giàu chất dinh dưỡng của các loại trái như việt quất, nho Mỹ, táo Envy, trái kiwi, cherry, cam vàng…nên kệ hàng trái cây ngoại thu hút khá đông người mua.

HINH-2518-1650983543.jpg
Ngoài vấn đề cần truyền thông rộng rãi về giá trị dinh dưỡng, để thoát khỏi nỗi lo về đầu ra thì ngành hàng rau quả Việt nên tận dụng những ưu thế sẵn có.

Qua trao đổi với VnBusiness, một khách hàng của đại siêu thị này là chị Nguyễn Thị Tú cho biết lý do ưa chuộng trái cây ngoại một phần là nhìn bề ngoài bắt mắt, mức giá vừa phải, nhưng chính yếu là vì những loại trái này có hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao.

“Tôi lên mạng Internet tìm hiểu về những loại trái nhập này thì thấy phổ biến rộng rãi là mang lại cho người sử dụng các khoáng chất và vitamin dồi dào, được các nhà khoa học xác nhận là có lợi cho sức khỏe, tăng cường khả năng đề kháng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Còn tìm thông tin về mức độ dinh dưỡng của các loại trái cây Việt thì cũng có, nhưng cảm giác còn mông lung, chưa được đầy đủ cho lắm”, chị Tú nói.

Nêu ra câu chuyện trên để thấy đó cũng là một bài học cho ngành hàng rau quả Việt ngay trên “sân nhà”. Nhất là theo các chuyên gia sức khoẻ thì “cây nhà lá vườn” vẫn là tốt nhất, thế nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được ưu thế này về mặt truyền thông. 

Đó là lý do mà nhiều loại trái cây ngoại lại được thị trường trong nước ưa chuộng hơn. Thậm chí, có những trái vốn là loại bình dân, mọc dại ở nước ngoài nhưng được thị trường trong nước yêu thích và bán giá cao, điển hình là trái cherry. 

Chính vì vậy, khi chia sẻ tại buổi toạ đàm bàn về thực phẩm thay đổi sự sống và gia vị cho y – sinh do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 26/4, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, đã nhấn mạnh đến yếu tố truyền thông của ngành hàng rau quả Việt phải làm sao thật sự hiệu quả để chạm vào cộng đồng một cách thực tế hơn.

Liên hệ thực tế từ bản thân mình, ông Viên cho biết ông là người trải nghiệm bệnh tật đến điểm cuối cùng, và từ điểm cuối cùng đó cho đến điểm bắt đầu. Và ông là người đã trải nghiệm, chứng thực được sự hỗ trợ hồi phục sức khoẻ nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng từ những loại rau củ quả của Việt Nam.

Kỳ vọng các yếu tố nội tại

Theo vị chủ tịch của Vinamit, trong các cây rau củ quả ở tự nhiên của Việt Nam, có những loại có tính cay, đắng, chua chát…hầu như đều có kháng sinh tự nhiên. Các loại gia vị, các loại cây rau mùi đều là các loại thuốc quý đến từ tự nhiên.

Ông Viên cho biết thêm là với phương pháp đông khô, sấy lạnh…thì công ty của ông có thể giúp lưu trữ các đặc tính dinh dưỡng của một số loại rau củ quả một cách tốt nhất về mặt sinh học. Tuy không thể nói giữ hoàn toàn 100% đặc tính sinh học của các loại rau, gia vị tươi sống nhưng 90% hoặc trên 90% là chắc chắn có.

Ngoài vấn đề cần truyền thông rộng rãi về giá trị dinh dưỡng, giới chuyên gia cho rằng để thoát khỏi nỗi lo nơm nớp về đầu ra thì ngành hàng rau quả Việt nên tận dụng ưu thế sẵn có là sở hữu nhiều giống rau củ quả cực ngon, lại cho ra quả quanh năm. Đây là lợi thế đóng góp lớn vào việc xuất khẩu (XK), cạnh tranh với trái cây nhiệt đới của các quốc gia khác trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, theo nhận định từ một chuyên gia phân tích của BSA, hoạt động XK trái cây của Việt Nam vẫn có sức tăng trưởng trong các tháng sắp tới, đặc biệt khi xu hướng tiêu dùng vì sức khỏe tăng cao, chú trọng vào các loại rau củ, trái cây.

“Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt kỳ vọng các yếu tố nội tại của sản phẩm như thương hiệu và chất lượng sẽ có tác động bền vững vào việc tăng trưởng XK trong tương lai, thay vì chỉ đơn thuần là tăng sản lượng như hiện tại”, chuyên gia của BSA nói.

Cần ghi nhận là trong quý I/2022 vừa qua kim ngạch XK rau quả đã giảm mạnh (giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy vậy, vẫn có một số loại trái cây như chuối, mít và sầu riêng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.

Giới chuyên gia lưu ý vẫn có rất nhiều rủi ro về thị trường và địa chính trị dễ dàng tác động tiêu cực đến XK rau quả trong năm nay. Ở một vài loại trái cây tuy có tăng trưởng kim ngạch XK nhưng chủ yếu đến từ việc tăng sản lượng và biến động ngắn hạn. 

Song song đó, vẫn còn nhiều hạn chế trong các yếu tố tạo nên giá trị bền vững cho ngành hàng này về mặt thương hiệu, đồng đều về chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, có quy trình sản xuất bảo quản đạt chuẩn…

Không chỉ vậy, tỷ trọng XK rau quả Việt đến các thị trường có giá trị cao như ở EU, Bắc Mỹ và Nhật Bản vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng.

Nhất là khi các thị trường này có nhu cầu về các sản phẩm rau củ quả chế biến, các loại trái cây tươi chất lượng cao và muốn có được những thông tin đầy đủ về giá trị dinh dưỡng từ những sản phẩm này. Đây là điều mà nhiều DN Việt cần lưu tâm khi hiện tại vẫn chưa thể hoàn toàn đáp ứng cũng như chưa có nhiều định hướng về xu hướng sản phẩm cho các thị trường này.

Thế Vinh

Bình Luận