Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng bằng cách nào?
Để chinh phục người tiêu dùng, doanh nghiệp đã nâng chất sản phẩm và đưa khoa học – công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi.Vụ Thị trường trong nước cho biết, sau 6 năm triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ý thức của doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, có những doanh nghiệp lâu nay vốn hướng đến thị trường xuất khẩu nay đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước bằng những hàng hóa đạt chuẩn của những quốc gia khó tính.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã phát triển được mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước hoặc kết nối thành công với những doanh nghiệp phân phối khác.
Theo Vụ Thị trường trong nước, kể từ khi triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2009 và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động được triển khai từ năm 2014 tới nay đã mang lại hiệu quả cao trong việc phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên toàn quốc.
Hơn nữa, qua đó tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối hiện đại lên hơn 80% và kênh truyền thống lên hơn 60%; tạo ra những mối kết nối chặt chẽ từ sản xuất cho đến tiêu dùng, từ các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương.
Đây chính là nền tảng để có thể triển khai được những hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong 4 đợt dịch kéo dài từ đầu năm 2020 cho tới nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp bán lẻ đã đóng vai trò tiên phong trong kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, hàng sản xuất trong nước bị thừa do không thể xuất khẩu.Đáng lưu ý, các doanh nghiệp đã có sự chủ động hơn trong việc kết nối cung – cầu giữa hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa với các doanh nghiệp sản xuất; giữa các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng nguyên, nhiên vật liệu và nguồn nhân lực cao cấp trong nước. Điều này đã giúp hàng hóa Việt Nam ngày càng có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn.
Không những thế, bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức được việc cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu và chủ động tham dự vào các sự kiện lớn về quảng bá hàng Việt Nam để tạo cơ hội cho hàng hóa tới gần hơn người tiêu dùng trong nước cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đã chung tay phối hợp với lực lượng chức năng trong việc đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại hay cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kéo dài Đề án giai đoạn 2021-2025 với rất nhiều điểm mới và đã lồng ghép những cơ chế chính sách, chương trình kinh tế – xã hội trong việc triển khai với những nguồn lực mạnh hơn, sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhất là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Chương trình Tinh hoa hàng Việt Nam cũng sẽ là điểm nhấn trong truyền thông trong giai đoạn 5 năm tới. Do vậy, truyền thông về tinh hoa hàng Việt Nam sẽ tập trung những thương hiệu Việt có chất lượng, đạt được các chứng chỉ hoặc những đặc sản vùng miền mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã vào cuộc trong việc đưa đến người tiêu dùng phân khúc hàng Việt Nam có chất lượng cao sẽ có cơ hội lựa chọn những sản phẩm tinh hoa.
Một điểm mới nữa là sẽ áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong triển khai Cuộc vận động trong giai đoạn tới như phát triển các điểm bán hàng online, chuyển đổi xúc tiến thương mại, chuyển đổi về truyền thông…
Đặc biệt, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ triển khai nhiều hoạt động để xử phạt về hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam./.
Uyên Hương
Bình Luận