Ngành công nghiệp mỹ phẩm làm trắng da: Thu lợi khủng nhưng rủi ro vô vàn
Làm trắng da là dịch vụ làm đẹp yêu thích của nhiều chị em. Đồng thời đây cũng là một ngành công nghiệp lớn, chủ yếu nhắm mục tiêu vào phụ nữ da màu ở mọi khu vực trên thế giới, trong đó châu Á – Thái Bình Dương là nơi sinh lợi lớn nhất.
Thị trường làm trắng da toàn cầu
Thị trường làm trắng da toàn cầu ước tính đạt 8 tỷ USD năm 2020 và dự kiến tăng thêm gần 50% trong vòng sáu năm tới. Đối tượng phụ nữ chiếm gần 80% doanh số bán hàng trên toàn thế giới. Sản phẩm kem bôi chiếm lĩnh thị trường với 6,6 tỷ năm 2027. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương thu về một nửa doanh thu toàn cầu trong năm 2018, Trung Quốc là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất.
Văn hóa làm trắng da
Da trắng sáng hơn không đơn thuần là tiêu chuẩn làm đẹp mà còn phản ánh địa vị giàu có do tại nhiều khu vực, lao động chân tay làm việc ngoài mưa nắng thường có nước da đen sạm. Ngược lại người giàu có sở hữu nước da trắng mịn.
Thành phần làm trắng da có an toàn?
Theo nhiều nghiên cứu, các sản phẩm làm trắng da thường chứa thành phần độc hại, đặc biệt gây tổn thương khi sử dụng mỹ phẩm trong thời gian dài mà không có hướng dẫn y tế. Hóa chất để làm sáng da ngày một phong phú hơn và không ngừng phát triển. Từ chất chống oxy hóa như glutathione, vitamin C đơn giản cho đến tiêm collagen, hầu hết cần có chỉ định từ bác sĩ.
Mặc dù các quốc gia cố gắng quản lý chặt chẽ hóa chất làm đẹp nhưng những sản phẩm nói trên vẫn được bày bán rộng rãi. Người dùng có thể mua chất làm trắng ở khắp mọi nơi từ các cửa hàng nhỏ, siêu thị, phòng khám đến web online,…
Thị trường sản phẩm làm trắng da
Loạt sản phẩm thương mại do các tập đoàn đa quốc gia sản xuất trở nên quen thuộc tại cửa hàng làm đẹp, siêu thị trên toàn thế giới, đặc biệt là châu Á. Tuy nhiên, không ít sản phẩm chứa thành phần độc hại được bán chui hay buôn lậu qua biên giới, từ đó len lỏi vào đời sống con người.
Vào năm 2018, Hội đồng Southwark ở Anh đã thu giữ 1129 sản phẩm làm trắng da đang được bán trong một cửa hàng mỹ phẩm và tóc ở London có kết quả xét nghiệm dương tính với hydroquinone hoặc steroid. Người tiêu thụ thường là nông dân, dân cư trong làng xóm, có ít hiểu biết về thành phần độc hại có trong các hũ kem làm trắng.
Instagram và Facebook là những “mảnh đất màu mỡ” cho thị trường này. Tiktok hiện cũng là nơi chào hàng kem trộn, kem tẩy trắng công khai, chia sẻ các phương pháp làm trắng chưa được kiểm chứng. Trước bối cảnh sản phẩm tẩy trắng tạp nham và phát triển không kiểm soát, các nhà hoạt động và cơ quan chức năng kêu gọi các bên bán cần phải có trách nhiệm cao hơn.
Các công ty sản xuất/bán sản phẩm làm trắng da nói gì?
CNN đã liên hệ với các tập đoàn đa quốc gia, công ty, trang web của bên thứ ba và những “gã khổng lồ” truyền thông có tham gia quảng cáo. Shisheido cho hay: “Các sản phẩm làm sáng da của chúng tôi hoạt động bằng cách hạn chế hình thành hắc tố gây ra các đốm đồi mồi và tàn nhang. Những loại này không có khả năng làm trắng da, nhất là bật tone. Chúng tôi không bán các sản phẩm làm trắng, cũng không khuyến khích tẩy trắng”. Theo Beiersdorf: “Chúng tôi đã tiến hành đánh giá chuyên sâu để xác định tác động đối với phương pháp tiếp thị và cung cấp sản phẩm. Nivea được phát triển dưới sự tư vấn của hội đồng chuyên gia.
Phía truyền thông xã hội như Meta thông báo công ty dành nguồn lực đáng kể để đảm bảo các mặt hàng được bán đúng quy định. Tiktok chia sẻ công ty sử dụng kết hợp các công nghệ và nhóm kiểm duyệt để xác định, xem xét và xóa nội dung hoặc tài khoản vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Amazon phát biểu: “Người bán bên thứ ba là các doanh nghiệp độc lập và được yêu cầu tuân theo tất cả các luật, quy định và chính sách hiện hành của Amazon khi niêm yết các mặt hàng được bày bán”. eBay cam kết chỉ những mặt hàng tuân thủ luật pháp mới được phép niêm yết trên trang web và mọi sản phẩm chứa hydroquinone, steroid hoặc thủy ngân đều bị cấm”,
Mai Chi
Bình Luận