Con đường nông nghiệp hữu cơ
Môi trường ô nhiễm thì không thể phát triển bền vững, nên cũng không thể có được nền nông nghiệp hữu cơ.
Bắt đầu từ việc bảo vệ môi trường
Hiện nay, thu nhập của nông dân thấp và không ổn định do năng suất cây trồng thấp, có liên quan trực tiếp đến vấn đề lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian dài khiến cho đất canh tác bị thoái hóa, bạc màu, chai cứng…
Chất lượng nông sản và hoa màu không cao lại dễ bị nhiễm bệnh nên nông dân lại ngày càng có xu hướng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng để duy trì năng suất. Bên cạnh đó, ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm cũng thải ra một lượng lớn chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cộng đồng.
Các hoạt động nông nghiệp đang thải ra hàng triệu tấn chất thải mỗi năm, đặc biệt là ngành chăn nuôi với lượng chất thải gần 90 triệu tấn/năm nhưng việc tận dụng trở lại thì không nhiều.
Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Trong quan điểm về phát triển bền vững, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần dành sự ưu tiên hàng đầu cho ba mục tiêu chính sau đây trong hoạch định và phát triển kinh tế nông nghiệp: 1. Môi trường trong sạch; 2. Nông nghiệp an toàn; và 3. Tài nguyên tái tạo.
Môi trường là không gian sống của con người và sinh vật, đồng thời cũng là nơi cung cấp các nhu cầu về tài nguyên cho con người. Môi trường là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải của con người và sinh vật. Các chất thải này bị các quá trình vật lý, hóa học, sinh học phân hủy thành các chất vô cơ, hữu cơ, vi sinh và quay trở lại phục vụ con người.
Nền nông nghiệp coi an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa nông sản là trọng tâm. Thực phẩm sạch phải luôn giữ được chất lượng tự nhiên vốn có của nó, không nhiễm các hóa chất trong quá trình bảo quản và chế biến. Ngoài ra, thực phẩm sạch còn phải tích tụ được “tính nhân văn” trong nó, nghĩa là sản phẩm được sản xuất bởi những người có lương tâm, ý thức chấp hành pháp luật tốt, ý thức bảo vệ môi trường tốt và trên tất cả là vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Tài nguyên tái tạo là một phần của môi trường tự nhiên, là nguồn tài nguyên bền vững, đồng thời là một trong những chỉ số quan trọng để phát triển bền vững. Khai thác bền vững nguồn tài nguyên tái tạo sẽ làm giảm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất và phá hủy môi trường sống. Nếu tốc độ sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo vượt quá mức có thể tái tạo, thì sự bền vững sẽ bị phá vỡ và ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ con cháu chúng ta.
Nên bắt đầu từ vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm hữu cơ tại các lưu vực sông đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng liên quan đến các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, hoạt động nuôi và chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm, canh tác trồng trọt… Trong đó ô nhiễm môi trường do ngành chăn nuôi gây ra là nghiêm trọng nhất.
Việc xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, khiến cho nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của chính người nông dân, cộng đồng, và cả nền nông nghiệp của địa phương.
Công nghệ hiện có chưa đủ sức hướng đến một giải pháp bền vững do những hạn chế về năng lực tài chính của chính các nông hộ, lợi ích kinh tế mang tính cục bộ doanh nghiệp, địa phương, các giải pháp thì có khuynh hướng xử lý các vấn đề ngắn hạn, riêng lẻ mà hiệu quả kinh tế do dự án đó mang lại cũng không được chia sẻ công bằng cho những đối tượng thụ hưởng chính là nông dân, cộng đồng và thậm chí đối tượng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường (người chăn nuôi).
Do đó, vấn đề đặt ra là phải có ngay một mô hình xử lý hiệu quả ở quy mô công nghiệp các loại chất thải có nguồn gốc hữu cơ này để sản xuất thành phân bón hữu cơ. Như vậy sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.
Theo tôi, bất cứ giải pháp khoa học nào khi đưa vào ứng dụng thì ngoài tính hữu ích cũng phải đặc biệt chú trọng đến hiệu quả kinh tế của giải pháp, tính liên kết, và có thể tích hợp chung với nhau như là một hệ thống đồng bộ với nhiều giải pháp hữu ích khác nhau nhằm đem lại những giá trị lâu dài cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cộng đồng xung quanh.
Giải pháp này chính là sự kết hợp đồng thời của: 1. Vi sinh hóa trong xử lý nguồn thải hữu cơ; 2. Lựa chọn mô hình thu gom và xử lý nguồn thải phù hợp; 3. Tự động hóa và sản xuất ở quy mô công nghiệp; 4. Ứng dụng công nghệ 4.0 để giám sát hoạt động và kiểm soát chất lượng; và 5. Phát triển mô hình kinh tế hợp tác giữa chủ nguồn thải và doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Cần sự tham gia của chuyên gia phát triển dự án đầu tư
Để một ý tưởng, một giải pháp lớn của doanh nghiệp phát triển thành dự án đầu tư và triển khai được trong thực tế đòi hỏi phải có một chuyên gia đóng vai trò như một “nhạc trưởng” trong dàn nhạc hợp xướng trong suốt thời gian “thai nghén” và “trưởng thành” của một dự án đầu tư.
Khởi đầu từ hoạt động nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, lập luận chứng kinh tế – kỹ thuật, lập dự toán đầu tư và kế hoạch tài chính, đến các vấn đề pháp lý của dự án, tiếp đó là đàm phán với các quỹ/nhà đầu tư/tổ chức tài chính, và sau cùng là tổ chức đội dự án, thi công dự án và xây dựng doanh nghiệp.
Ngoài ra, để một dự án có tác động và có sức ảnh hưởng như dự án kết hợp nông nghiệp – môi trường đã nói ở trên được hiện thực hóa trong cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực, đòi hỏi cần có một bàn tay có thể giúp kết nối mở rộng các nguồn lực cơ bản mà đôi khi doanh nghiệp sở hữu ý tưởng/giải pháp không có, ví dụ: quỹ đất dành cho dự án, nguồn cung ứng công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực, thông tin, thị trường, khách hàng…
Như vậy đã rõ vai trò trung tâm và rất quan trọng của một chuyên gia phát triển dự án đầu tư như là điểm hội tụ và kết nối các nguồn lực chiến lược cần thiết cho việc xây dựng và phát triển của một dự án đầu tư, cùng doanh nghiệp kiến tạo một mô hình sản xuất sao cho tối ưu nhất, phát triển cân bằng, bền vững và có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của ngành.
(*) Chuyên gia tư vấn của Strategic Foreisght
Bình Luận