Tìm cách tháo gỡ khó khăn khi xuất khẩu sang châu Phi
Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này chủ yếu là nông sản như: gạo, hạt tiêu, cà phê, rau quả, thủy hải sản, hàng điện, điện tử, hàng dệt may và giày dép, tiêu dùng, sắt thép.Nhằm thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021 và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối giao thương, phát triển thương mại với đối tác các nước nói tiếng Pháp tại châu Phi trong bối cảnh dịch COVID-19, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) dự kiến tổ chức hội thảo trực tuyến “Hướng dẫn tiếp cận thị trường và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sang các thị trường châu Phi nói tiếng Pháp” vào 14h ngày 1/9/2021 theo hình thức trực tuyến.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, tại hội thảo, các tham luận sẽ xoay quanh việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, định hướng thị trường và một số mặt hàng xuất nhập khẩu có thể thúc đẩy giữa Việt Nam và châu Phi.Cùng với đó là những chia sẻ về kinh nghiệm của Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Phi, kiêm nhiệm các nước nói tiếng Pháp và chương trình giao lưu trực tuyến với sự tham gia của đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi. Điều này nhằm trao đổi nhằm trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về vướng mắc trong xuất khẩu sang khu vực này.
Tuy nhiên, khi tham gia hội thảo, doanh nghiệp có thể vào phần mềm Zoom https://us02web.zoom.us/j/88321857098?pwd=QWtwZ0xPKzdoS2pJL2dYYmdFNWRyZz09; meeting ID: 883 2185 7098 ;Passcode: 123123 và đăng ký trước ngày 30/8/2021 theo địa chỉ email: VanHTK@moit.gov.vn, điện thoại 0936071225.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, châu Phi nằm ở phía Tây Nam đại lục Á – Âu, trên trục đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây; là cầu nối của ba lục địa châu Á, châu Âu và châu Mỹ, nối liền Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương.
Với tổng diện tích tự nhiên trải dài trên 30 triệu km2, lớn thứ ba trên thế giới, sau châu Á và châu Mỹ và dân số hơn 1,3 tỷ người và chủ yếu là lực lượng lao động trẻ. Đây là khu vực thị trường rộng lớn gồm 55 quốc gia; trong đó, có 26 quốc gia nói tiếng Pháp.
Trong nhiều năm qua, các quốc gia này đã và đang tiếp tục các nỗ lực ổn định chính trị, xã hội; khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Nhờ thu nhập được cải thiện, quy mô tầng lớp trung lưu tại các nước đang tăng dần, mang đến nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam.
Riêng giai đoạn 2016-2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 26 quốc gia nói tiếng Pháp tại châu Phi ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, từ 2,4 tỷ USD năm 2016 lên 3,4 tỷ USD năm 2019, mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước này giảm xuống còn 2,8 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD.
Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và 26 quốc gia này cơ bản mang tính chất bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này chủ yếu là nông sản như: gạo, hạt tiêu, cà phê, rau quả, thủy hải sản, hàng điện, điện tử, hàng dệt may và giày dép, tiêu dùng, sắt thép…Hơn nữa, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập được thị trường các nước, kim ngạch nhiều mặt hàng có chiều hướng ngày càng tăng.
Về nhập khẩu, đây là những thị trường cung ứng đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất trong nước và chế biến xuất khẩu của Việt Nam như hạt điều, bông, gỗ, cao su, quặng và khoáng sản, linh kiện điện tử…
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế của các nước, tổng trao đổi thương mại giữa các bên đã có dấu hiệu khởi sắc với mức tăng trưởng dự báo khoảng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 0,5 tỷ USD, tăng 1,6% và nhập khẩu ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 51,8%.
Cũng theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới, còn nhiều dư địa để khai thác như châu Phi và tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước là một trong những giải pháp mà doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới./.
Uyên Hương
Bình Luận