Con đường độc đạo cho dệt may Việt
Trung Quốc, Bangladesh – những đối thủ của ngành dệt may Việt Nam đang tiến vào sản xuất xanh, đón đầu xu hướng tiêu dùng mới. Điều này cho thấy “xanh hóa” không phải muốn hay không mà đó chính là yêu cầu bắt buộc, là “con đường độc đạo” nếu ngành dệt may Việt Nam không muốn chậm chân khỏi cuộc chơi của toàn cầu.
Chia sẻ với VnBusiness trước thềm năm mới Quý Mão 2023, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết “xanh hóa” dệt may là một trong ba trụ cột “kinh tế – an sinh – môi trường” của tập đoàn. Chính vì vậy, Vinatex đã triển khai nhiều chương trình đầu tư mới theo định hướng xanh. Hiện nay, Vinatex có các sản phẩm tái chế trong hệ thống với tỷ lệ ngày càng cao. Đặc biệt, Tập đoàn đã tiến hành một bước đánh giá và xây dựng lộ trình cụ thể cho từng doanh nghiệp thành viên hướng tới các mục tiêu 2025, 2030.
Biến bã café, sợi sen và vỏ hàu thành… vải
Lãnh đạo Vinatex cho hay, trong Vinatex đã có những đơn vị có tỷ lệ kéo sợi polyester, cotton, trong đó đến 30% là nguyên liệu tái chế và cotton sạch theo tiêu chuẩn PCI của Mỹ, xác định được nguồn gốc của bông đảm bảo là organic. Các nhà máy sợi mới được đầu tư 100% đều có điện áp mái và lượng điện này đang đáp ứng được từ 18-22% lượng điện tiêu thụ.
Xanh hóa từ nguồn gốc nguyên liệu tạo ra sản phẩm dệt may. |
“Đối với may thì theo chuẩn mực mới, tất cả doanh nghiệp đều phải có điện áp mái chỉ trừ những nhà máy quá cũ và không đảm bảo an toàn để lắp. Với các doanh nghiệp may thì điện áp mái đáp ứng được từ 80-100% lượng tiêu thụ…”, đại diện Vinatex cho biết.
Không chỉ Vinatex, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng đang tiến mạnh vào con đường sản xuất xanh. Một trong số doanh nghiệp kể trên là Công ty kết nối thời trang Faslink – một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong đón đầu xu hướng trên từ năm 2008 đến nay. Ba loại vải hiện nay có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của Faslink là vải làm từ bã café, sợi sen và vỏ hàu. Những sản phẩm này được nhiều nhãn hàng quốc tế ưa chuộng, đem về nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu đô.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink, chia sẻ nếu chọn một từ khóa để khái quát lại toàn bộ quãng đường 12 năm đã qua, thì có lẽ mấu chốt nằm ở hai chữ kiên định. “Ví dụ hồi xưa khi làm ra vải bamboo (vải sợi tre), chúng tôi đã phải đi vào một nhãn hàng lớn ở Việt Nam tới 9 lần trong gần 1 năm để thuyết phục khách hàng. Sản phẩm chỉ có 1 nhưng 9 lần gặp họ, thì chắc chắn câu chuyện mình giới thiệu với họ phải khác đi, đó là ví dụ điển hình về lòng kiên trì”, bà Xuân chia sẻ.
Mở đầu bằng những câu chuyện thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh để thấy rằng, lợi ích to lớn mà phát triển bền vững có thể đem lại cho ngành dệt may Việt Nam. Thống kê cho thấy, 250 thương hiệu lớn trên thế giới đã công bố lộ trình cần phải sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế, tự nhiên và tuần hoàn được trong quá trình phát triển của họ từ nay đến năm 2050. Đặc biệt, từ nay đến năm 2030 bắt đầu đi vào quá trình thay đổi thì áp lực sẽ rất lớn.
Các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.
Một cuộc điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của tập đoàn McKinsey tháng 4/2020 chỉ ra rằng, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn và trung hạn. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.
Các doanh nghiệp dệt may cần phải chấp nhận hy sinh tài chính, vượt qua những thách thức để xanh hóa sản phẩm. |
Bên cạnh câu chuyện của khách hàng và thị trường thì bản thân các quốc gia cũng đã thể chế thành những yêu cầu của luật pháp. Ở châu Âu có thỏa thuận xanh Green new đặt ra các mục tiêu đến 2030-2050, trong đó có thỏa thuận riêng về phát triển dệt may bền vững với rất nhiều yêu cầu về nguyên vật liệu tái chế, tuổi thọ của sản phẩm.
Hay Luật về đánh giá chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Đức có hiệu lực từ 01/01/2023 nhưng do các doanh nghiệp của Đức mua bán ở mọi nơi nên những ai tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Đức cũng phải tham gia thực hiện… Đây chính là áp lực đối với những nhà sản xuất dệt may như Việt Nam, đặc biệt là đối với khu vực sản xuất nguyên liệu vì có mức tiêu thụ năng lượng lớn.
Hãy là người chớp cơ hội nhanh nhất
Và muốn nhìn rõ những cơ hội và thách thức của xanh hóa sản phẩm, có lẽ ngành dệt may nên biết đối thủ của mình đang ở đâu. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, chia sẻ nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có nên phát triển mở rộng ngành dệt may hay không vì băn khoăn về giá trị gia tăng. Chúng ta hãy nhìn sang Trung Quốc, khi họ vẫn đang chiếm khoảng 40% lượng cung sản phẩm ra thế giới và có một chương trình riêng về phát triển dệt may.
Thời trang xanh ngày càng được nhiều nước trên thế giới chọn lựa. |
Tuy nhiên, cách làm của Trung Quốc hiện nay là đang tiến vào sản xuất xanh, biên lợi nhuận tốt hơn, để lại khoảng cạnh tranh còn lại, miếng bánh “nhỏ nhoi” gia công đơn thuần cho các nước. Điều này cho chúng ta thấy rõ ràng họ đã và đang phát triển mạnh dệt may, giàu lên vẫn làm dệt may vì đây là hàng hóa thiết yếu.
Hay với Bangladesh, ông Trường kể câu chuyện rằng năm 2015, đến quốc gia này thấy rằng nhà máy của họ còn đơn sơ, nhưng đến năm 2021, 9 trong 10 nhà máy “may mặc xanh” đạt tiêu chuẩn cao nhất được Hội đồng xây dựng xanh Mỹ cấp chứng nhận là ở Bangladesh.
“Quốc gia này tranh thủ thời gian thị trường dệt may phát triển thuận lợi để biến những nhà máy cực xấu, lôi thôi của mình thành những nhà máy xanh hàng đầu thế giới, đạt tiêu chuẩn cao nhất hiện nay”, ông Trường cho hay cách làm của họ khác chúng ta là xây mới hoàn toàn thay vì cải thiện từ từ mỗi năm một tý.
Nói điều này để chứng minh “xanh hóa” dệt may không phải muốn hay không mà đó chính là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn chậm chân khỏi cuộc chơi của toàn cầu. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, lãnh đạo Vinatex chỉ ra thách thức. Thứ nhất là công nghệ để sản xuất được ra sản phẩm là khó hơn bình thường, thứ hai là về giá thành, vì tất cả nguyên liệu đầu để sản xuất xanh đều đắt trong khi chuẩn mực giao dịch trên thị trường chưa tương xứng với yêu cầu đầu vào.
Những doanh nghiệp sản xuất xanh hiện nay đang có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với sản xuất thông thường. Các doanh nghiệp cần phải chấp nhận hy sinh tài chính, vượt qua những thách thức này để đáp ứng được yêu cầu và không bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.
Mặt khác, lãnh đạo Vinatex cũng cho rằng để doanh nghiệp có đủ nguồn lực chuyển đổi cho sản xuất xanh thì Chính phủ cần tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến sản xuất xanh. Trong đó chủ yếu là những chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm xanh. Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết “zero carbon” vào 2050.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để khuyến khích doanh nghiệp dệt may sản xuất bền vững, bản thân doanh nghiệp phải nhận thức và thấy rõ rằng có đầu tư đạt các chuẩn mực thì chúng ta mới có sự ổn định về đơn hàng; khi đạt được các chuẩn mực thì mới có nền tảng để phát triển bền vững; không có đơn hàng sẽ không lấy được lợi ích từ các hiệp định thương mại.
Đồng thời, Chính phủ cần sớm phê duyệt Chiến lược dệt may Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt; tạo ra cơ chế, nguồn tài chính đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn.
Nhật Linh
Bình Luận