Con đường đi tìm thương hiệu
Cây trà cổ thụ, tán xòe rộng, mọc lên từ núi đá, phát triển trong sương gió miền cao, qua bàn tay của người làm trà Shanam, cho ra thành phẩm xứng là “vàng xanh” núi rừng.
Có lẽ kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát thời gian dường như trôi chậm rãi hơn và cuộc sống của mỗi người cũng dần thay đổi. Với tôi, chẳng còn gì thú vị hơn khi công việc trong năm đã hoàn tất, được ngồi thư thả tán chuyện với bạn bè và nhâm nhi ly trà nóng.
Cầm trên tay ly Bạch trà thương hiệu Shanam do nhóm bạn đi phượt săn mây từ Tà Xùa-Sơn La mang về, câu chuyện của nhóm bạn chúng tôi dường như sôi nổi và ấm áp hơn bởi hương thơm ngào ngạt, uống vào có vị thanh, ngọt khiến ta uống một lần rồi nhớ mãi.
Đi tìm bản sắc
Trong một lần đi thực tế tại Sơn La, tôi đã có dịp tiếp cận chị Phạm Thị Việt Hà – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc về con đường xây dựng thương hiệu trà Shanam để đưa những lá trà trên vùng rẻo cao đi muôn nơi.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Việt Hà cho biết: Sau hơn 5 năm liên tục khảo sát khoanh vùng nguyên liệu (từ năm 2010), hỗ trợ người dân với tư cách cá nhân, năm 2015, Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc được thành lập để khởi động việc đem chè Shan xuống núi.
Nhà máy chế biến chè đầu tiên đã được xây trên xã Tà Xùa – Bắc Yên – Sơn La với những công việc đầu tiên về đào tạo quy trình thu hái và sản xuất đã được chuẩn bị cả năm ròng.
Đầu năm 2017, Công ty đã xây dựng được chiến lược thương hiệu trà Shanam với mục tiêu phát triển cây chè Shan Tuyết và giúp bà con vùng cao Tà Xùa- Sơn La và Sùng Đô- Yên Bái có thể ăn no mặc ấm nhờ cây chè.
Lý giải thêm về thương hiệu Shanam, chị Phạm Thị Việt Hà bày tỏ: Shan là giống trà Shan Tuyết cổ thụ, Nam là Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sở hữu một đặc sản quý hiếm của ngành trà thế giới, chính là giống trà Shan cổ thụ trên dãy núi cao thuộc các tỉnh Đông – Tây Bắc, với diện tích hơn 25 nghìn hécta.
Bởi vậy, Shanam là nơi thể hiện tình yêu và niềm đam mê của người làm trà góp phần đa dạng, chuẩn hóa đặc sản quý hiếm này và đưa sản phẩm đến rộng rãi hơn với người yêu trà Việt.
Hơn nữa, với sự đồng lòng và nỗ lực của các thành viên, Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc đã khắc phục những rào cản ban đầu. Dần dần, mọi công việc của công ty đã đi vào quỹ đạo, máy móc và dây chuyền chế biến chè cũng nhờ đó được đầu tư theo hướng đồng bộ, khép kín.
Đặc biệt, Công ty đã thành công trong việc kết hợp giữa kinh nghiệm lâu năm của người dân bản địa và quy trình kỹ thuật hiện đại nên sản phẩm luôn giữ được hương vị tự nhiên mang đậm bản sắc vùng cao.
Không những thế, thương hiệu trà Shanam còn vinh dự nhận được nhận Giải thưởng quốc tế của sản phẩm Bạch Trà Mây và Giải thưởng Trà Quốc tế AVPA2009 cho sản phẩm Trà Xanh Mây.
Thế nhưng, là doanh nghiệp khởi nghiệp nên hai năm trở lại đây dịch COVID-19 liên tục bùng phát đã trở thành cơn ác mộng của đại đa số doanh nghiệp; trong đó bao gồm cả Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc.
Trong “cái khó đã ló cái hay” và tạo bước nghỉ để công ty thêm thời gian nghiên cứu và tung ra thị trường dòng trà lên men giúp tăng cường sức khoẻ cho người dùng.
Chính bước đi trước đón đầu, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh nên dòng sản phẩm này đã bước đầu được chào đón. Với số lượng đơn hàng được chốt liên tục cùng với những bước đi cụ thể, thương hiệu trà Shanam dự kiến sẽ có những bước tiến xa hơn trong tương lai.
Xứng tầm đam mê
Theo chân chị Lê Minh Ánh – khối kinh doanh – marketing Công Ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc, lần đầu tiên tôi được mục sở thị cách hái những búp chè shan tuyết cổ thụ và thấu hiểu nỗi vất vả của người dân vùng chè.
Vượt lên những con dốc chênh vênh mà chỉ dám nhìn thẳng bởi một bên là thung lũng sâu hun hút, một cảm giác vui sướng khi nhìn thấy những cây cổ thụ mốc thếch mờ ảo trong sương sớm.
Miệng nói tay làm, chị Lê Minh Ánh cùng những người dân bản địa thoăn thoắt hái những búp chè một tôm hai lá vừa kể về lịch sử của những cây chè, có những cây đã có tới 200 năm tuổi.
Theo chị Lê Minh Ánh, trước kia chưa có công ty thu mua lá chè, người dân nơi đây thường bị thương lái ép giá rất rẻ mạt chỉ 200-400.000 đồng/kg với loại trà shan tuyết cổ thụ khô. Thế nhưng, cũng loại trà này ở dưới Thủ đô được bán ra rẻ nhất cũng tầm 1 triệu đồng.
Vì thế, Công ty đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân thu hái đúng tiêu chuẩn và thu mua chè búp tươi cao gấp hai lần so với trước kia khiến người dân nơi đây rất phấn khởi.
Chị Ánh cho biết thêm: Các sản phẩm nổi bật của trà Shanam như trà xanh, trà đen, bạch trà, bánh trà cổ, trà trum, trà túi lọc, trà ướp hoa. Mỗi một phẩm trà đều mang trong mình sứ mệnh lan tỏa những giá trị từ núi rừng Tây Bắc, và chúng đều có những đặc điểm, những nét nổi bật và hương vị đặc trưng riêng.
Tuy nhiên, trong số đó Bạch trà được mệnh danh là vua của các thức trà bởi lưu giữ một cách trọn vẹn hương vị của mây núi, đất trời mà thành.
Thương hiệu trà Shanam với các giấy chứng nhận sản phẩm do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cấp và chứng nhận các sản phẩm trà tiêu biểu, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Cây trà cổ thụ, tán xòe rộng, mọc lên từ núi đá, phát triển trong sương gió miền cao, qua bàn tay của người làm trà Shanam, cho ra thành phẩm xứng là “vàng xanh” núi rừng.
Về những dự định năm 2022, đại diện Công Ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc cho biết, Công ty sẽ sản xuất khoảng 15 tấn trà shan cổ thụ khô; trong đó trọng tâm phát triển dòng trà lên men như: Bạch Trà Mây, trà sống, trà chín… với mong muốn lan tỏa “đạo trà Việt” ra thế giới.
Mặt khác, Shanam tiếp tục xây dựng thêm thương hiệu cho chuỗi đặc sản hoa quả sấy vùng Tây Bắc với cùng mong muốn nâng cao được giá trị cho người yếu thế là phụ nữ và người dân tộc thiểu số vùng cao.
Cùng với đó, ngoài các thị trường xuất khẩu hiện nay như Trung Quốc, Singapore, năm 2022 trà Shanam sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhằm tận dụng ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do.
Trong chiến lược dài hạn, thương hiệu Shanam còn hướng đến thị trường quốc tế, với mong muốn đưa thương hiệu Trà Shan Tuyết Cổ Thụ Việt Nam dần trở thành nét văn hóa riêng trong cộng đồng người yêu trà quốc tế.
Kỳ vọng một ngày không xa, hương trà từ miền trà di sản như Tà Xùa, Sùng Đô không chỉ lan tỏa ở bản địa, vùng miền mà sẽ vươn ra với cả thế giới./.
Trần Trung
Bình Luận