08-03-2323 . bởi Phạm Tâm

Chứng chỉ số GI: giải pháp cho vấn đề hàng thật, hàng giả

Việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (GI) cho các sản phẩm hiện nay chỉ dừng lại ở việc bảo vệ sản phẩm bản địa nói chung mà chưa giải quyết được các vấn đề về giả mạo GI của sản phẩm. Với người tiêu dùng trực tuyến thông thường, rất khó để phân biệt sản phẩm gắn GI nào là thật, sản phẩm nào là giả. Để giải quyết được vấn đề này cần một cơ chế chứng nhận trực tuyến đáng tin cậy và chứng chỉ số GI có thể là một giải pháp được xem xét.




Chỉ dẫn địa lý (GI) là một đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) 1994 thì GI là những chỉ dẫn xác định một hàng hóa có nguồn gốc từ lãnh thổ của một quốc gia thành viên, hoặc một khu vực hoặc địa phương trong lãnh thổ đó, nơi chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính nhất định của hàng hóa chủ yếu là do nguồn gốc địa lý.

GI góp phần xây dựng các nguồn nội lực độc đáo và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, GI là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ và khen thưởng không chỉ tiềm năng thương mại của các sản phẩm độc quyền mà còn cả tri thức truyền thống(1).

Chứng nhận GI trên nền tảng số và lợi ích

Ngày nay, với tốc độ phát triển của công nghệ số và những thay đổi trong thói quen giao dịch thông qua Internet, việc sử dụng chứng chỉ số GI trong xác định nguồn gốc sản phẩm hàng hóa có ý nghĩa hết sức cấp thiết. Chứng chỉ số GI là chứng nhận chỉ dẫn địa lý trên nền tảng số hóa, áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa của quốc gia.

Trong chuỗi sản xuất – mua bán – tiêu dùng, khi công nghệ và kỹ thuật số dần thay thế cách thức giao dịch truyền thống, chứng chỉ số GI được coi là công cụ tiềm năng cho các mục đích tiếp thị sản phẩm và tăng cường bảo vệ pháp lý. Sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận về xuất xứ, nguồn gốc một cách đáng tin cậy bằng chứng chỉ số GI sẽ tạo sự an tâm cho người tiêu dùng khi mua sắm trên nền tảng thương mại số.

Việc gắn chứng chỉ số GI lên hàng hóa thương mại điện tử không những giúp nâng cao danh tiếng và giá trị của các sản phẩm địa phương trên trường quốc tế mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng có sản phẩm gắn chứng chỉ số GI.

Chứng chỉ số GI cũng giúp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý, chống lại các hành vi chiếm đoạt và cạnh tranh không lành mạnh trên không gian mạng.

Nhìn chung, khai thác chứng chỉ số GI góp phần đẩy mạnh tiêu dùng trực tuyến một cách an, thúc đẩy sự minh bạch và tạo nền tảng cho thương mại bền vững. Một số nghiên cứu trong ngành marketing cho thấy việc thay thế hình ảnh, thay thế độ nổi tiếng, tính truyền thống bản địa, tính chuyên môn hóa và các điều kiện thuận lợi của các sản phẩm gắn GI có ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là quảng bá và phát triển sản phẩm trên nền tảng số. Sản phẩm gắn chứng chỉ số GI có thể gia tăng thương mại hóa và xúc tiến thương mại ở cấp độ quốc tế.

Xu hướng ứng dụng chứng chỉ số GI

Tại Ấn Độ, ngành thủ công mỹ nghệ sử dụng một số lượng đáng kể các nghệ nhân ở nông thôn và khu vực bán thành thị, tạo ra lượng ngoại hối đáng kể cho đất nước, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa. Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm việc phát triển ứng dụng e-GI trong lĩnh vực này và đó cũng là một trong những mục tiêu trong chiến lược đổi mới thương mại kỹ thuật số của Ấn Độ.

Việc thay thế hình ảnh, thay thế độ nổi tiếng, tính truyền thống bản địa, tính chuyên môn hóa và các điều kiện thuận lợi của các sản phẩm gắn GI có ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là quảng bá và phát triển sản phẩm trên nền tảng số.

Tại Brazil, chứng chỉ số GI giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ nông dân nuôi cừu, hay cho ngành rượu vang. Còn trên hệ thống điện tử số của Indonesia, GI mang lại nhiều tác động khác nhau cho người dân nước này, đặc biệt là tạo cơ hội nâng cao vị thế kinh tế – xã hội cho các cộng đồng làng xã ở nông thôn.

Trong năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Thương mại Thái Lan và tập đoàn thương mại điện tử Lazada đã hợp tác triển khai và phổ biến các sản phẩm có gắn chứng chỉ GI. Nỗ lực này nhằm thúc đẩy các cơ hội tiếp thị mới cho các sản phẩm GI thông qua kênh truyền thông trực tuyến nhằm tăng thu nhập cho nông dân và chủ doanh nghiệp.

Triển vọng phát triển chứng chỉ số GI tại Việt Nam

Với tinh thần thúc đẩy phát triển các nền tảng số theo chương trình chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2030 thì việc xây dựng và quản lý chứng chỉ số GI là một vấn đề thiết yếu trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, nông dân gặp khó khăn về cách thức, quy trình đăng ký. Việc xây dựng và phát triển một hệ thống trực tuyến đăng ký chứng chỉ số GI dễ dàng, thuận tiện là bài toán cần được giải quyết của Chính phủ Việt Nam.

Trong chuỗi sản xuất – mua bán – tiêu dùng, khi công nghệ và kỹ thuật số dần thay thế cách thức giao dịch truyền thống, chứng chỉ số GI được coi là công cụ tiềm năng cho các mục đích tiếp thị sản phẩm và tăng cường bảo vệ pháp lý. Sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận về xuất xứ, nguồn gốc một cách đáng tin cậy bằng chứng chỉ số GI sẽ tạo sự an tâm cho người tiêu dùng khi mua sắm trên nền tảng thương mại số.

Với các cơ quan ban ngành, chứng chỉ số GI sẽ giúp cho công tác quản lý sản phẩm, hàng hóa quốc gia trên thị trường thương mại quốc tế trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Do vậy, cần thiết lập và triển khai chính sách về chứng chỉ số GI, quản lý và phổ cập trong thời gian tới. Chẳng hạn như ưu đãi thuế cho cá nhân, tổ chức đăng ký chứng chỉ số GI, hỗ trợ huy động vốn kinh doanh sản phẩm có gắn chứng chỉ số GI với chi phí và lãi suất phù hợp… Ngoài ra, thực hiện chính sách thương mại hóa GI còn giúp gia tăng nguồn thu phù hợp cho ngân sách nhà nước.

(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM.

Bình Luận