Ba Lan xúc tiến xuất khẩu và chuyển giao công nghệ chế biến thịt tại Việt Nam
Ông Piotr Ziemann, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và bán thịt của Ba Lan, cho biết, Hiệp hội đến Việt Nam không chỉ để xúc tiến xuất khẩu thịt mà còn muốn tìm kiếm đối tác chuyển giao công nghệ, đầu tư lâu dài.
Trong khuôn khổ chương trình “Châu Âu đầy hương vị – truyền thống và chất lượng” của Liên minh châu Âu (EU), dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan (PAIH), Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP) đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Ba Lan sang khảo sát thị trường Việt Nam trong tháng 11/2022.
Tối 9/11, KIGCP đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất và bán thịt của Ba Lan tổ chức Phiên giao lưu thương mại doanh nghiệp giữa 8 nhà cung cấp thực phẩm, đồ uống từ Ba Lan và hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam là các nhà nhập khẩu, phân phối trong lĩnh vực này. Đây là cơ hội tốt để hai bên cùng trao đổi trực tiếp các vấn đề hai bên cùng quan tâm nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Tại sự kiện, bà Bozena Wroblewska, Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan cho biết, chương trình hướng đến các nhà cung cấp thực phẩm như thịt, hoa quả và các khách hàng tiềm năng.
Trong chương trình, phía Ba Lan sắp xếp các cuộc giao thương trực tiếp giữa các nhà sản xuất, các đối tác, các siêu thị. Đồng thời, Ba Lan cũng có những hoạt động giới thiệu các sản phẩm cũng như các chứng chỉ chất lượng của nước này và EU tới người tiêu dùng Việt Nam thông qua môi trường trực tuyến.
Ông Piotr Ziemann, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và bán thịt của Ba Lan cho biết, Ba Lan là đất nước phát triển tốt về nông nghiệp, đặc biệt là mảng chăn nuôi. Chỉ trong vòng 16 năm, lượng sản xuất và xuất khẩu thực phẩm của Ba Lan đã tăng trưởng tới 12 lần.
Theo đó, 85% thịt bò, 60% gia cầm, và 50% thịt lợn sản xuất tại Ba Lan được xuất khẩu ra thế giới. Không chỉ đối với thịt gia súc, gia cầm, Ba Lan cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu hoa quả lớn bậc nhất thế giới.
Đặc biệt, Ba Lan là quốc gia dẫn đầu khối EU về các công nghệ chế biến và sản xuất thịt cũng như công nghệ xử lý dịch bệnh trên gia súc gia cầm. Chia sẻ về câu chuyện của Ba Lan, ông Piotr Ziemann cho biết, trước đây, Ba Lan cũng từng là đất nước đi sau về mặt công nghệ so với các nước phát triển như Đức, Pháp…
Nhưng Ba Lan đã chọn phương án đi tắt đón đầu, áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhất, trở thành quốc gia áp dụng công nghệ hóa, tự động hóa hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm. Từ đó, nâng chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành này lên ngày càng cao tại châu Âu.
Ông Piotr Ziemann, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và bán thịt của Ba Lan phát biểu tại buổi giao thương. Ảnh: Quách Sơn |
Đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những đối tác lớn nhất của Ba Lan trong vòng 5 năm tới, Hiệp hội đến Việt Nam không chỉ để xúc tiến xuất khẩu thịt mà còn muốn tìm kiếm đối tác chuyển giao công nghệ, đầu tư lâu dài. Theo đó, hiện các tỉnh thành tại Việt Nam đang muốn hợp tác với Hiệp hội chuyển giao công nghệ xử lý bệnh dịch trên gia súc, gia cầm nhằm phát triển ngành chăn nuôi.
Ông Piotr Ziemann cũng đồng quan điểm với nguyên Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel khi cho rằng, Ba Lan và Việt Nam trước nay đã có tình bạn lâu dài và hiện là thời điểm phù hợp để nâng mối quan hệ hai bên thành đối tác tin cậy.
Trên thực tế, Việt Nam cũng là một đất nước xuất khẩu nông sản lớn, do đó, sự cạnh tranh khi thực phẩm của Ba Lan xuất khẩu vào Việt Nam là có thể có. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu của hai nước không có sự cạnh tranh gay gắt mà bù trừ lẫn nhau. Ba Lan có những hoa quả, thực phẩm mà Việt Nam chưa có như loại táo Ba Lan, quả việt quất, mâm xôi… Trong khi Việt Nam lại có những loại trái cây nhiệt đới như xoài, mít… còn rất mới mẻ lại với người dân Ba Lan.
“Châu Âu đầy hương vị – truyền thống và chất lượng” là chương trình do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm và đồ uống của châu Âu ra thế giới. Năm nay, EU đã lựa chọn Ba Lan làm quốc gia đại diện quảng bá các sản phẩm này tới Việt Nam.
Anh Thư
Bình Luận