Hướng dẫn đáp ứng quy định xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc
Sáng 25/10, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Tổ chức Nho Nho lập Diễn đàn trực tuyến về xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Mục đích là hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới theo Lệnh 248, 249, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
(TS. Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam)
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, đây không phải lần đầu Trung Quốc kiểm soát hồ sơ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường nước này.
Sau khi Trung Quốc sử dụng cơ chế một cửa về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) xuất khẩu, Tổng cục Hải quan nước này chủ trương giám sát ATTP trên cơ sở chủ động.
“Trung Quốc muốn đánh giá ngay từ phía các nhà xuất khẩu, thay vì kiểm tra tại cửa khẩu. Nước bạn sẽ kiểm tra chặt chẽ hồ sơ xuất khẩu doanh nghiệp”, ông Hòa chia sẻ.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”.
Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Cuối tháng 9/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành thêm Công hàm 353 để hướng dẫn thủ tục, thời gian, hiệu lực đăng ký cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tỏ ra lúng túng khi Trung Quốc ban hành hai Lệnh 248, 249. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, từ đầu tháng 10/2021, mỗi ngày văn phòng nhận hàng trăm cuộc gọi thắc mắc về vấn đề này. Nhằm giải đáp nhanh chóng, cụ thể, chi tiết, Văn phòng SPS Việt Nam lên ý tưởng làm diễn đàn sáng 25/10.
Thay mặt các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc Tổ chức NHO cảm ơn Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn nhiệt tình về các quy trình thủ tục.
“Chúng tôi chỉ có hơn một ngày chuẩn bị. Rất may là SPS Việt Nam đã nhận lời, hướng dẫn,và tạo điều kiện để doanh nghiệp kịp gửi danh sách sang Trung Quốc trước ngày 1/11”, ông Nghị cho biết.
Theo ông Nghị, nội dung và thủ tục đăng ký để doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc không phức tạp. Vấn đề là doanh nghiệp cần đăng ký đúng và sớm với cơ quan có thẩm quyền tương ứng trên địa bàn.
Diễn đàn thu hút sự chú ý lớn từ doanh nghiệp. Số lượng tham dự suốt buổi sáng luôn vượt ngưỡng 500 thành viên.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh vào một số điểm chính. Một, là nhật ký ghi chép. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần sát sao vấn đề này, bởi Trung Quốc có thể kiểm tra thực địa, kiểm tra trực tuyến. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp có thể bị gạch bỏ khỏi danh sách xuất khẩu.
Hai, là Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ ngay lập tức. Trước mắt, doanh nghiệp cần gửi đăng ký cho các cơ quan có thẩm quyền trong tháng 10/2021. Trên cơ sở này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp, và gửi danh sách sang Trung Quốc trước ngày 1/11.
(TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam
trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về hai lệnh 248 249. Ảnh: Bảo Thắng )
Thay mặt Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Giám đốc, TS. Ngô Xuân Nam trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất, là “cơ quan có thẩm quyền” tại Việt Nam có nhiệm vụ tổng hợp danh sách doanh nghiệp.
Theo ông Nam, cơ quan có thẩm quyền là 5 đơn vị: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương).
Một thông tin nữa, ông Nam nhấn mạnh, là nếu gửi hồ sơ sang Trung Quốc trước 1/11, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ hưởng nhiều ưu đãi. Trong đó đặc biệt, là doanh nghiệp chỉ cần 3 loại giấy tờ, gồm: giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, và bản cam kết.
Để kịp thời tổng hợp danh sách đăng ký, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Y tế thông báo cho các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu tương ứng trên địa bàn.
Từ đó, doanh nghiệp tự kiểm tra: Hoặc từng xuất khẩu một trong 18 nhóm mặt hàng mà Trung Quốc quy định từ 1/1/2017, hoặc có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này trong tương lai. Nếu thuộc một trong hai trường hợp này, doanh nghiệp chủ động đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018.
“Việc đăng ký trước 1/11 giống như việc doanh nghiệp giữ chỗ để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thủ tục hồ sơ cũng đơn giản. Nếu kịp thời hạn này, doanh nghiệp sẽ được giãn thời hạn hoàn thiện hồ sơ tới tháng 6/2023”, ông Nam nhấn mạnh.Thông tin đầu mối liên hệ Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam:1. Cục Bảo vệ thực vật: Đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thủ tục hồ sơ xin liên hệ: Nguyễn Quang Hiếu Trưởng phòng Phòng Hợp tác Quốc tế và Truyền thông, số điện thoại: 0977800314, email: bonn@gmail.com 2. Cục Thú yĐối với các sản phẩm thuộc quản lý của Cục Thú y, liên hệ chị Trần Thị Thu Phương Trưởng phòng Phòng Hợp tác Quốc tế và truyền thông, số điện thoại: 0982285546; email: phuong.dah@gmail.com 3. Cục QLCLNLTS Đầu mối xử lý: Phạm Hoàng Đức Phó Trưởng phòng Chất lượng thuỷ sản, số điện thoại: 0904319187 email: hoangduc.nafi@mard.gov.vn 4. Bộ Công thươngĐịa chỉ đăng ký trực tuyến thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công thươnghttp://dangkydoanhnghiep.moit.gov.vn/RegisterHSCode.aspx5. Cục ATTP- Bộ Y tế
Địa chỉ: Ngõ 135 Núi Trúc, Giảng Võ – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 024.38464489; 024.38463702; Fax: 024.38463739; Email: vfa@vfa.gov.vn* Chi tiết thông tin doanh nghiệp đã được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cập nhật đăng ký doanh nghiệp:China HS code,2021 tariff,Customs Duty, Import tax rates search, GACC Registration of China Customs, Importing China compliance service (transcustoms.com)* Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ngoài 18 sản phẩm (Phụ lục 1) theo Công hàm số 353, sau ngày 01/11/2021 có thể truy cập Hệ thống ứng dụng quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài, căn cứ theo các quy định có liên quan tại Điều 9 “Quy định đăng ký” để tiến hành đăng ký thông qua Cổng Thương mại Quốc tế Một cửa: www.singlewindow.cn.
Bình Luận