Ấn Độ cấm đồ nhựa dùng một lần để chống ô nhiễm
Lệnh cấm được áp dụng với các sản phẩm nhựa dùng một lần gồm ống hút, tăm bông ngoáy tai, dao, muỗng, nĩa, màng bọc, que nhựa để gắn bóng bay, kẹo và kem, hộp đựng thuốc lá, và một số sản phẩm khác.
Ngày 1/7, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong nỗ lực nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á.
Trong những năm qua, rác thải nhựa đã trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm chính ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa đi kèm với các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút và bộ dao, muỗng, nĩa.
Mặc dù sử dụng tới 14 triệu tấn nhựa mỗi năm, song Ấn Độ lại thiếu một hệ thống bài bản để quản lý rác thải nhựa, dẫn đến tình trạng xả rác tràn lan.
Đường phố trên khắp các thị trấn ở quốc gia Nam Á tràn ngập đồ nhựa đã qua sử dụng. Rác thải nhựa có nguy cơ làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh, sông ngòi và đại dương, thậm chí còn giết chết các loài động vật.
Trước thực trạng đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi quyết định áp lệnh cấm đối với đồ nhựa dùng một lần gồm ống hút, tăm bông ngoáy tai, dao, muỗng, nĩa, màng bọc, que nhựa để gắn bóng bay, kẹo và kem, hộp đựng thuốc lá, và một số sản phẩm khác.
Ngay sau khi lệnh cấm trên được đưa ra, một số công ty kinh doanh nước giải khát như PesiCo, Coca-Cola, Parle Agro, Dabur và Amul đã xúc tiến vận động để đưa ống hút ra khỏi danh sách các mặt hàng bị cấm.
Để hỗ trợ người tiêu dùng, chính phủ tạm thời chưa cấm sử dụng túi nhựa, tuy nhiên yêu cầu các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu tăng độ dày của túi để khuyến khích việc tái sử dụng.
Một số chuyên gia cho rằng việc thực thi lệnh cấm này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thành lập các phòng kiểm soát để kiểm tra việc sử dụng, buôn bán và phân phối bất hợp pháp các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tình trạng rác thải nhựa đại dương trên thế giới đang ở mức báo động, với ước tính khoảng 100 triệu tấn rác đã được thải ra các đại dương. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một lượng lớn hạt vi nhựa trong ruột của các loài động vật có vú sống sâu dưới đáy đại dương như cá voi.
TUỆ LÂM (Theo Reuters)
Bình Luận