Vì sao nông sản Việt Nam làm nên tên tuổi trên trường quốc tế nhưng không “ghi điểm” trên Amazon?
VietTimes – Nông sản Việt Nam vốn có tên tuổi tốt trên trường quốc tế nhưng lại chưa trở thành ngành hàng thành công nhất của nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon. Đại diện sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đưa ra lý do…
Trong suốt 2 năm gần đây, top 5 nhóm ngành hàng bán chạy của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon vẫn duy trì gồm có dụng cụ nhà bếp, nhà cửa và gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc cá nhân & sức khỏe, tiện ích gia đình. Gần 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam đã tới tay khách hàng Amazon toàn cầu trong 1 năm qua.
Tuy vậy, thực tế, nông sản Việt Nam có tên tuổi tốt trên trường quốc tế, nhưng lại chưa thực sự trở thành ngành hàng thành công nhất của nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon.
Trao đổi với PV về thực tế này, ông Gijae Seong – Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam – cho biết Amazon nhận thấy sự có mặt của các sản phẩm nông sản từ Việt Nam trên Amazon những năm qua như gạo, cà phê hoặc hạt điều, bánh tráng. Tuy nhiên, đây chưa phải các sản phẩm được xếp thứ hạng cao.
“Các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, tiếp xúc con người, bên cạnh những thách thức về tiêu chuẩn chất lượng, các quy định, chính sách của các thị trường mục tiêu, nhóm ngành hàng nông sản còn gặp phải một vài thách thức” – đại diện Amazon thông tin.
Ông Gijae Seong liệt kê 3 hạn chế mà nông sản Việt Nam gặp phải:
Thứ nhất, hạn sử dụng: Nhóm sản phẩm nông sản thường đi liền với thời hạn sử dụng nhất định. Do đó, cả người cung cấp và người tiêu dùng đều cần cân nhắc về thời gian vận chuyển, thời gian lưu kho. Chu kỳ bán hàng cũng là yếu tố cần được các nhà cung cấp quan tâm.
Thứ hai, bài toán chi phí vận chuyển, lưu kho. Ông Gijae Seong đưa ra ví dụ về việc nhà bán lẻ phải tính toán để có mức giá phù hợp khi phân phối 1 bao gạo 5kg, trong khi phải cân đối cả chi phí vận chuyển và lưu kho.
Có lẽ chính bởi lý do này, “chúng tôi nhận thấy một số nhà bán hiện nay chọn bán các sản phẩm nông sản, thực phẩm cao cấp, hữu cơ để có thể cân đối giữa trọng lượng, chi phí vận chuyển và mức giá phù hợp khi đưa ra thị trường” – đại diện Amazon Global Selling Việt Nam nói.
Thứ ba, hầu hết các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam đều đã có các kênh phân phối lớn tại các thị trường như Mỹ, châu Âu và đôi khi sẽ đi liền với các thỏa thuận về sản phẩm phân phối trên các kênh này. Do đó, để mở bán trên các gian hàng của Amazon, thường doanh nghiệp phải chọn một sản phẩm khác hoặc xây dựng thương hiệu khác cho sản phẩm của mình. Quá trình này cần thời gian và đầu tư của các nhà bán hàng.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số thương hiệu đã phần nào thành công như hạt điều LAFOOCO hay cà phê Trung Nguyên với nhóm sản phẩm G7. Những thương hiệu này đã góp phần mở rộng danh mục nông sản Việt Nam trên Amazon.
Ông Gijae Seong cũng cho biết, hiện Amazon đã có mặt ở 21 thị trường trên thế giới và có thể vận chuyển hàng đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, Mỹ vẫn đang là thị trường lớn nhất của nhà bán hàng Việt Nam trong nhiều năm vừa qua.
Theo kiến giải của ông Gijae Seong, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, tiềm năng với dân số đông. Bên cạnh đó, Amazon xuất phát điểm ở Mỹ với lượng khách hàng khổng lồ và sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Cùng với đó, so với một số các thị trường như châu Âu hay Nhật Bản, các chính sách, quy định đối với một số ngành hàng tại Mỹ vẫn khá dễ chịu. Và ngoài ra, các nhà bán lẻ thường lựa chọn thị trường Mỹ cũng bởi ngôn ngữ dễ tiếp cận, trao đổi và làm việc hơn các thị trường không nói tiếng Anh.
Nhà bán hàng Việt Nam cần thay đổi tâm thế, chiến lược
Nói về thách thức, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng trên Amazon, ông Gijae Seong cho rằng, khoảng 2-3 năm trước, nhận thức về xu hướng và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam còn rất thấp. Câu hỏi lớn nhất của chúng tôi ở thời điểm đó là làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam, thị trường Việt Nam biết về thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, đến năm 2022, câu hỏi lớn nhất không phải là việc biết hay nhận thức về thương mại điện tử xuyên biên giới, mà là “how to do” – tức là kiến thức, là cách làm thương mại điện tử xuyên biên giới, kinh nghiệm làm và làm như thế nào cho hiệu quả.
Nhà bán hàng, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tâm thế, chiến lược cho doanh nghiệp đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, đầu tư đội nhóm, kiến thức, cập nhật liên tục quy định, luật định của thị trường mục tiêu.
“Hãy đừng chỉ xem bán hàng xuyên biên giới trên Amazon như một kênh bổ trợ thêm cho những kênh bán hàng hiện có” – đại diện Amazon nêu quan điểm.
Anh Lê
Bình Luận