Trung Quốc mất thị phần xuất khẩu sang Mỹ vào tay Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ
Điều này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất đang tiếp tục dịch chuyển hoạt động ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới…
Theo báo cáo thường niên Reshoring Index của công ty tư vấn Kearney được trích dẫn trên tờ báo Nikkei Asia, năm 2022, Trung Quốc đã mất thêm thị phần xuất khẩu sang Mỹ vào tay các nền kinh tế khác cùng trong nhóm 14 quốc gia và vùng lãnh thổ có chi phí thấp (LCC) tại châu Á.
Điều này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất đang tiếp tục dịch chuyển hoạt động ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhóm 14 LCC châu Á bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Campuchia, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.
Theo báo cáo, năm 2022, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chiếm tổng cộng 50,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ của 14 LCC châu Á. Tỷ lệ này giảm so với mức 53,5% của năm 2021 và tiếp nối xu hướng giảm ghi nhận từ năm 2013.
Thị phần của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm dù tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ của 14 LCC châu Á tăng 11% trong năm 2022 lên hơn 1.000 tỷ USD. Theo báo cáo, thị phần của Trung Quốc và Hồng Kông chủ yếu rơi vào tay Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan và Thái Lan.
“Đã có sự dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông khi nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc do quan ngại về các vấn đề như sở hữu trí tuệ, thuế quan, căng thẳng địa chính trị và sức chống chịu của chuỗi cung ứng”, báo cáo của Kearney chỉ ra.
Báo cáo cũng đề cập tới việc các công ty điện tử tiêu dùng như Apple và Samsung Electronics dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đồng thời mở rộng sang Việt Nam và Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Để thu hút những doanh nghiệp này, chính phủ của các LCC châu Á cũng đang tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và tung ra ưu đãi để tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp của riêng mình.
Theo một báo cáo vào tháng 5/2022 của Everbright Securities, trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty mở nhà máy tại Việt Nam đã tăng từ 17 vào năm 2018 lên 23 công ty năm 2020, trong đó có 7 công ty Trung Quốc đại lục.
Xu hướng tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực may mặc. Báo cáo của Kearney cho rằng chi phí lao động tăng, các nút thắt trong chuỗi cung ứng và các vấn đề xã hội tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển của ngành may mặc từ đây sang các LCC châu Á khác.
Xu hướng dịch chuyển này giúp các quốc gia ít công nghiệp hóa hơn như Campuchia. Năm 2022, các nhà chức trách Campuchia công bố kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô và điện tử với khoản đầu tư hơn 2 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.
“Trong giai đoạn năm 2018-2022, xuất khẩu điện tử của Campuchia vào Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 128%, dù xuất phát điểm tương đối thấp”, báo cáo chỉ ra. “Bên cạnh đó, cùng với Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ, Campuchia là một trong những nước thụ hưởng đầu tiên từ xu hướng dịch chuyển sản xuất của ngành bán dẫn ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông”.
Cũng theo báo cáo, một số công ty – đặc biệt là những đơn vị muốn tiết kiệm chi phí hậu cần và vận tải nhiều hơn – có xu hướng đa dạng hóa địa bàn sản xuất từ châu Á sang Mexico và Mỹ. Việc đưa sản xuất trở lại Mỹ ngày càng trở nên quan trọng với các doanh nghiệp Mỹ.
Hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát trong gần như tất cả lĩnh vực cho biết có kế hoạch chuyển ít nhất một phần sản xuất trở lại Mỹ trong vòng 3 năm tới. Trong số này bao gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực được hưởng lợi từ Đạo luật Giảm lạm phát cũng như Đạo luật CHIP của Mỹ – hai đạo luật lần lượt hướng tới hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện và bán dẫn.
Hoài Thu
Bình Luận