Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam vào nửa cuối năm 2022
Đây là thông tin được Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ trong Diễn đàn kết nối nông sản 970, ngày 8/6 và khẳng định Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường quan trọng xuất khẩu nông sản Việt.
Thông tin tại diễn đàn về các loại nông sản Việt Nam đang có thế mạnh ở thị trường Trung Quốc, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đưa ra dự báo, Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022.
Lý do được ông Nguyên đưa ra là Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác. Diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng, dẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu. Ảnh hưởng của dịch bệnh Panama đã khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.
“Trung Quốc là một thị trường quan trọng. Để gia tăng thị phần nhập khẩu tại thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng. Trong bối cảnh không còn Zero Covid, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực”.Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng mặt hàng chuối đã biểu hiện bước phát triển vượt bậc.
Trong 5 tháng 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Phillipines với 28%.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu năm 2021 do thị phần tại Trung Quốc giảm sâu. Đặc biệt, xuất khẩu 4 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Về bối cảnh 6 tháng cuối năm, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đang tạo khó khăn nhất định cho dòng lưu chuyển hàng hoá, nhưng ông Nguyên dự báo Trung Quốc có khả năng sẽ dỡ bỏ chính sách này trong thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau.
Về mặt hàng xuất khẩu, ông Nguyên cho biết, Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo. Quả sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối để hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.
Thông tin thêm về thị trường Trung Quốc, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông báo tới các doanh nghiệp, Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thời gian đàm phán đối với các sản phẩm kéo dài và chịu sự tác động của dịch Covid-19 do chuyên gia không thể sang Việt Nam để kiểm tra vùng trồng.
“Yêu cầu về chất lượng và về truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu”, ông Tùng lưu ý.
Tăng trưởng ngành rau quả đan xen cơ hội và thách thức
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (NN&PTNT) lưu ý các doanh nghiệp cần có cái nhìn toàn diện về cơ hội, thách thức của cây ăn quả. Từ đó, kiến tạo, hoạch định công tác chế biến, phân tích thị trường.
“Tăng trưởng ngành rau quả đan xen cơ hội, thách thức. Đặc biệt, trái cây là loại hàng nhạy cảm vì tính chất mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, trong khi thị trường thì luôn biến động”, ông Toản nói.
Nhắc lại lời Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 7/6, ông Toản khuyến cáo các doanh nghiệp không thể có tâm lý chủ quan khi giá bán nông sản đang cao tại Mỹ và Nhật Bản.
Vì vậy, đề nghị các bên tăng cường liên kết sản xuất, đặc biệt chú ý tận dụng các chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo ông Toản, đây là những đối tượng thường khó đi một mình và gặp nhiều rào cản khi đưa nông sản vào các kênh tiêu thụ. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các HTX, người dân xác định rõ, sát thực tế về cơ cấu giá thành sản xuất nông sản tạo ra cơ sở để ngành nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
“Đề nghị Hiệp hội Rau quả Việt Nam giữ liên hệ, và thường xuyên trao đổi với Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề liên quan đến dự trữ nông sản, phục vụ trực tiếp cho thị trường, HTX, doanh nghiệp. Song song với việc chuẩn hóa nông sản, chúng ta cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh. Tất cả phải đi vào thực chất và giúp bà con nông dân yên tâm canh tác trên chính thửa ruộng của mình”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Phương Thảo
Bình Luận