Trọng số Trung Quốc kéo tụt kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam
Chính sách “zero COVID” mà Chính phủ Trung Quốc quyết liệt áp dụng đã ảnh hưởng lớn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam, nhưng đây mới chỉ là một yếu tố..
Đậu nành rau là sản phẩm được thị trường Nhật Bản ưa chuộng – Ảnh: Nguyễn Huyền
Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2022 ước đạt 313,336 triệu USD, giảm 9,2% so với tháng trước, và ước giảm 22,6% so với tháng 4/2021.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,162 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trọng số thị trường Trung quốc
Dữ liệu thống kê những năm qua cũng như những tháng đầu năm nay luôn khẳng định Trung Quốc là trọng số lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Và trong quý 1/2022, top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam gồm:
Trung Quốc vẫn là duy trì là thị trường xuất khẩu chủ lực, với 455,392 triệu USD, so với quý 1/2021 giảm 25,44%, chiếm 53,64% thị phần.
Thị trường lớn thứ hai là Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 1/2022 đạt 61,757 triệu USD, tăng 68,38% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,27% thị phần.
Thị trường Hàn Quốc đứng thứ ba với kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 1/2022 đạt 41,522 triệu USD, tăng 18,76% so với cùng kỳ năm rồi, chiếm 4,89% thị phần.
Thị trường Nhật Bản đứng thứ tư với kim ngạch xuất khẩu đạt 35,672 triệu USD, tăng 10,67% so với cùng kỳ, chiếm 4,2% thị phần.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường thứ năm Thái Lan trong 3 tháng đầu năm đạt 26,598 triệu USD, giảm 27,82% so với cùng kỳ,
Xuất khẩu sang thị trường Úc trong quý đầu năm đạt 23,761 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 24,98%; thị trường Đài Loan đạt 20,889 triệu USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ; thị trường Hà Lan đạt 16,947 triệu USD, tăng tương đương so với cùng kỳ. …
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 4/2022, ước kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 160,072 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng trước và tăng 50,9% so với tháng 4/2021. Cộng dồn 4 tháng đầu năm nay nhập khẩu rau quả đạt 564,871 triệu USD, tăng 21,3% so với 4 tháng năm 2021.
Như vậy trong tháng 4/2022, rau quả Việt Nam xuất siêu 153,264 triệu USD; cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022 rau quả xuất siêu 595,604 triệu USD sang Trung Quốc.
Top 10 thị trường nhập khẩu rau quả lớn quý 1/2022, gồm:
Trung Quốc không chỉ là thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực mà Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 140,281 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là Hoa Kỳ, trong 3 tháng đầu năm nay nhập khẩu rau quả từ Hoa Kỳ đạt 76,721 triệu USD giảm 0,65% so với cùng kỳ năm rồi.
Đứng thứ ba là thị trường Úc, với kim ngạch nhập khẩu từ Úc đạt 37,492 triệu USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ, kế đến là Myanmar đạt 30,799 triệu USD, so với cùng kỳ giảm không đáng kể, từ Campuchia trong 3 tháng đầu năm đạt 18,109 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 35,79%… Nhập khẩu rau quả từ Thái Lan trong 3 tháng đạt 7,800 triệu USD giảm 41,1% so với cùng kỳ.
“Zero COVID” chỉ là một yếu tố
Ông Nguyễn Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm sâu đến 25,44%, đã kéo tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 848.971 triệu USD.
Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách “zero COVID” khiến việc kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường này rất ngặt nghèo, dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa rất chậm chạp.
Song, nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký Nghị định thư xuất khẩu nông sản, nên hiện nay 100% hàng rau quả từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đều phải chờ cơ quan hải quan Trung Quốc kiểm tra, làm ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu nên hàng hoá được thông quan khá chậm, tiêu thụ ít hơn nguồn cung thực tế.
Theo ông Nguyên, nếu có Nghị định thư, rau quả của Việt Nam phải được đóng gói một cách chuyên nghiệp, có truy xuất nguồn gốc tốt và bảo đảm đủ các quy định Trung Quốc.
Ngoài yếu tố thị trường Trung Quốc cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 1/2022.
VINAFRUIT dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 2/2022 cũng sẽ tương đương như quý 1/2022, vì thị trường chủ lực Trung Quốc vẫn chưa hết dịch bệnh, và một khi thị trường này giảm nhập khẩu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Đầu năm Hiệp hội đưa ra dự báo xuất khẩu rau quả năm nay sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD, nhưng nay VINAFRUIT đã hạ dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay bằng có thể năm 2021 là 3,5 tỷ USD.
Trong khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm sâu thì xuất khẩu vào các thị trường khác trong top 10 như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn tăng trưởng tốt, có thị trường tăng rất mạnh đến 68,38% và các thị trường này vẫn có nhu cầu cao nhập khẩu rau quả Việt Nam.
“Các địa phương, doanh nghiệp đang tập trung sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt như: VietGAP, GlobalGAP… nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hữu cơ trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp để tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc phục vụ chế biến và xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Song, đến nay lượng rau quả đạt tiêu chuẩn của các thị trường này vẫn còn khiêm tốn, vì còn tuỳ thuộc vào sự dịch chuyển dần của người nông dân chứ không thể đòi hỏi tăng nhanh ngay được”, Tổng thư ký VINAFRUIT nhận định.
Nguyễn Huyền
Bình Luận