Tiêu chuẩn hóa và quản lý an toàn đối với các thiết bị dùng cho lắp đặt trong gia đình
Các thiết bị dùng cho lắp đặt điện trong gia đình như dây và cáp điện, ổ cắm điện, phích cắm điện và các khí cụ điện là các thành phần quan trọng của hệ thống lắp đặt điện hạ áp. Mỗi một thiết bị có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đều có thể là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ hoặc điện giật.
Vì vậy, hầu hết các nước, khu vực trên thế giới đã đưa các thiết bị này vào danh mục hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn và quản lý thông qua các quy định pháp luật để đảm bảo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường phải đạt được chuẩn mực thống nhất nhằm đảm bảo việc thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống lắp đặt điện hạ áp an toàn.
Các nước quản lý thiết bị dùng cho lắp đặt điện như thế nào?
Tại khối Liên minh châu Âu (EU), dây, cáp điện và thiết bị điện dùng trong hệ thống lắp đặt điện dân dụng được quản lý bởi Low Voltage Directive 2014/35/EU. Các nhà khai thác kinh tế bao gồm sản xuất, nhập khẩu và phân phối dây, cáp điện, ống luồn dây điện và các khí cụ điện hạ áp phải đảm bảo các lợi ích công cộng như sức khỏe và an toàn của con người, vật nuôi và tài sản. Để đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường, các nhà khai thác kinh tế phải tự xác định đặc tính kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm dựa trên các hướng dẫn của EU, tự thử nghiệm hoặc thử nghiệm tại các phòng thử nghiệm được thông báo (Notified Testing Laboratory) và dán nhãn CE.
Các nước trong khối ASEAN đã thống nhất hài hòa 122 tiêu chuẩn IEC liên quan đến thiết bị điện, điện tử và đưa 166 sản phẩm điện, điện tử vào đánh giá rủi ro để áp dụng phương thức chứng nhận thống nhất trong khối ASEAN. Hầu hết các nước trong khối ASEAN đã đưa dây và cáp điện, ổ cắm điện, phích cắm điện, công tắc điện và các thiết bị bảo vệ mạch điện như MCB, RCCB, RCBO vào quản lý an toàn. Các thiết bị này phải được chứng nhận phù hợp và mang dấu an toàn của quốc gia mới được lưu thông trên thị trường.
Tại thị trường Mỹ, theo Luật về An toàn Điện National Electrial Code NFPA 70 và Luật về An toàn Lao động và Sức khỏe Occupational Safety and Health Act (OSH Act) 29 CFR Part 1910 thì hầu hết các sản phẩm điện sử dụng nguồn điện lưới trực tiếp bao gồm cả dây, cáp điện và thiết bị điện dùng trong hệ thống lắp đặt điện dân dụng đều phải được thử nghiệm, chứng nhận về an toàn điện và mang dấu của bên thứ ba trước khi nhập khẩu và bán ra thị trường. Các tổ chức thử nghiệm và chứng nhận của bên thứ ba này phải được công nhận bởi OSHA.
Theo Luật An toàn cho Vật liệu và Thiết bị điện Electrical Appliance and Material Safety Law, Nhật Bản đã đưa dây, cáp điện và khí cụ điện hạ áp vào quản lý theo Nhóm A – Phải được chứng nhận phù hợp bởi bên thứ 3.
Theo Điều Luật kiểm soát An toàn Thiết bị điện Electrical appliances safety control, Hàn quốc đã đưa dây, cáp điện và khí cụ điện hạ áp vào nhóm phải được chứng nhận phù hợp bởi các đơn vị chứng nhận được chỉ định.
Tại Trung Quốc, 166 loại sản phẩm điện, điện tử phải được chứng nhận và mang dấu chứng nhận CCC mới được lưu hành trên thị trường. Dây, cáp điện và khí cụ điện hạ áp cũng thuộc nhóm 166 sản phẩm này.
Quản lý thiết bị dùng cho lắp đặt điện tại Việt Nam
Tại Việt Nam, mới chỉ có dây và cáp điện được đưa vào quản lý theo QCVN 4:2009/BKLHCN từ năm 2009. Các thiết bị dùng cho lắp đặt điện còn lại như ổ cắm điện, phích cắm điện, công tắc điện và các thiết bị bảo vệ mạch điện như MCB, RCCB, RCBO đều chưa được đưa vào danh sách hàng hóa Nhóm 2 để quản lý về an toàn.
Trong khuôn khổ của Đề tài 04/2016-DA1 – Đánh giá chất lượng của một số sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường có nguy cơ gây mất an toàn và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) đã lấy mẫu trên thị trường một số loại thiết bị dùng cho hệ thống lắp đặt điện và tiến hành thử nhiệm theo các tiêu chuẩn an toàn tương ứng. Kết quả cho thấy, tỉ lệ mẫu không phù hợp của từng loại hàng hóa như sau: Ổ cắm điện cố định – 13/14 mẫu; Phích cắm điện – 9/9 mẫu; Ổ cắm điện di động – 17/17 mẫu; Ổ cắm di động – 13/14 mẫu; Áptômát bảo vệ quá dòng – 3/6 mẫu.
Từ việc khảo sát quy định của các nước trên thế giới và kết quả khảo sát đánh giá chất lượng các mẫu thiết bị dùng cho lắp đặt điện trên thị trường Việt Nam cho thấy cần phải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và đưa các thiết bị dùng cho lắp đặt điện vào danh mục hàng hóa Nhóm 2 để quản lý về an toàn. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho QUATEST 3 thực hiện Đề án xây dựng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống lắp đặt tương tự.
Để thực hiện đề án, QUATEST 3 đã nghiên cứu quy định quản lý của các nước trên thế giới. Từ đó, xây dựng được danh mục các thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình mà hầu hết các nước đã đưa vào quản lý để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Dựa trên hướng dẫn đánh giá rủi ro gây mất an toàn cho thiết bị điện áp thấp của Khối cộng đồng chung Châu Âu CENELEC Guide 32–Guidelines for Safety Related Risk Assessment and Risk Reduction for Low Voltage Equipment, bộ công cụ đánh giá rủi ro (Risk Engine) của Úc và New Zealand và hướng dẫn đánh giá rủi ro gây mất an toàn cho thiết bị điện – điện tử của khối ASEAN, QUATEST 3 đã thiết lập được phương pháp đánh giá rủi ro và thực hiện đánh giá rủi ro cho thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình. Từ đó, đưa ra được mức rủi ro mất an toàn và phương thức quản lý phù hợp đối với từng sản phẩm cụ thể.
Phạm vi áp dụng của Quy chuẩn kỹ thuật bao gồm dây và cáp điện, ổ cắm điện cố định, phích cắm điện, bộ chuyển đổi ổ cắm, bộ dây nguồn nối dài, công tắc điện, Áptômát bảo vệ quá dòng (MCB), Áptômát tác động bằng dòng dư, có bảo vệ quá dòng (RCBO), Áptômát tác động bằng dòng dư, không có bảo vệ quá dòng (RCCB).
Hiện nay, Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật mới đang được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định để ban hành. Khi quy chuẩn kỹ thuật mới được ban hành và đưa vào áp dụng sẽ giúp bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ có nguyên nhân từ sự cố hệ thống, thiết bị điện.
Trương Văn Thạch
Bình Luận