Thành công với mô hình trồng dâu tây thuận theo tự nhiên
Định hướng trồng dâu tây theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chàng kỹ sư nông nghiệp ở Gia Lai đang gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi.
Kiên định trồng dâu tây theo hướng hữu cơ
Học chuyên ngành kỹ sư bảo vệ thực vật, chàng trai Võ Hoàn Hảo (32 tuổi, trú tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn ấp ủ về dự án nông nghiệp, đặc biệt rất thích nghiên cứu về cây trồng phát triển theo hướng hữu cơ.
Ngay khi ra trường, anh Hảo bắt tay vào tìm tòi, học hỏi phát triển mô hình cây trồng ứng dụng trong nhà lưới. Thậm chí, anh đã mang mô hình trồng hoa trong nhà lưới tại Đà Lạt về để thử nghiệm tại vườn hoa ở TP. Pleiku.
Năm 2018, nhận thấy trồng tiêu, cà phê bấp bênh, anh Hảo đã thuyết phục gia đình để trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng trên diện tích 3 sào (1 sào 1.000m2) tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai. Trong đó, anh Hảo dành ra 500 m2 để xây dựng nhà lưới. Sau nhiều lần thử nghiệm các loại cây trồng thấy không hiệu quả do bấp bênh về thị trường đầu ra, anh đã tìm tòi nghiên cứu trồng dâu tây.
Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng chỉ có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt mới trồng được dâu tây. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thử nghiệm, anh Hảo đã thành công với mô hình trồng dâu tây trên vùng đất nắng nóng của huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Theo anh Hảo, dù trồng dâu tây tương đối mới mẻ tại Gia Lai nhưng năng suất ổn định. Đến nay, anh đã nhân rộng mô hình trồng dâu tây trong nhà lồng lên 1,5 sào và trồng ngoài trời gần 7 sào.
Tuy nhiên, khi nhân rộng trồng dâu tây với mật độ lớn cũng đồng nghĩa với việc sâu bệnh hại sẽ phát triển mạnh hơn. Nhưng với định hướng ngay từ đầu trồng dâu tây theo hướng hữu cơ đảm bảo chất lượng, vườn dâu tây của anh Hảo không sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào. Và rồi, anh Hảo không thể ngờ rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, vườn dâu tây của mình đã bị sâu bệnh phá hoại tan hoang.
“Lúc bấy giờ, 9 giống dâu tây trồng ngoài trời chết gần hết chỉ còn lại khoảng 10% sống sót. Nhận thấy, giống dâu tây còn sống sót nghĩa là có khả năng kháng bệnh cao, mình đã quyết định nhân giống trở lại để phát triển về sau”, anh Hảo nói và cho biết, hiện vườn của mình chủ yếu là giống dâu tây Ha Na Nhật được nhập từ khu vực phía Bắc có khả năng kháng bệnh tốt và chất lượng.
Vì muốn cây dâu tây phát triển bền, lại giữ được chất lượng dinh dưỡng trong đất nên anh Hảo ưu tiên sử dụng phân chuồng và tránh tối đa sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiện chỉ có vườn dâu tây của anh Hảo dám để ngoài trời bất kể mưa, nắng và chăm sóc thuận theo tự nhiên.
Cụ thể, anh không phủ bạt cho vườn dâu tây, đồng thời lên luống bằng ván gỗ và phủ rơm để giữ độ ẩm cho cây dâu tây. Ngoài ra, anh Hảo quyết định để cỏ mọc tự nhiên dưới đường rãnh mà không làm sạch. Lý giải điều này, anh cho biết, nếu mình làm sạch cỏ, sâu bệnh không có gì ăn sẽ tấn công vườn dâu. Bên cạnh đó, anh trồng thêm một số loại rau xung quanh vườn dâu để hạn chế sâu bệnh phá hoại dâu tây. Vì theo anh Hảo, sâu bệnh thường thích ăn rau quả hơn thay vì ăn lá dâu có vị đắng.
“Khi vào mùa thu hoạch, du khách đến tham quan thấy dâu tây bị sâu bệnh thì họ càng tin mình làm theo hướng hữu cơ. Cũng từ đó du khách đến tham quan vườn dâu tây của mình ngày càng nhiều hơn”, anh Hảo chia sẻ.
Với việc trồng thuận theo tự nhiên, vườn dâu tây của Hảo chỉ đạt năng suất bằng 60% so với trồng trên Đà Lạt. Tuy nhiên chất lượng được du khách đánh giá rất tốt, trái có vị ngọt hơn so với dâu tây Đà Lạt.
Thành công với thương hiệu dâu tây trên đất Gia Lai
Ban đầu, khi đầu tư 3 sào, anh Hảo đầu tư hết khoảng 400-500 triệu đồng để mua giống và xây dựng nhà lưới theo tiêu chuẩn. Sau này, anh Hảo đã tiếp tục mở rộng diện tích lên hơn 8 sào với khoản đầu tư hết gần 1,8 tỷ đồng.
Vốn đầu tư nhiều, nhưng thị trường đầu ra lúc bấy giờ gặp không ít khó khăn do sử dụng nhiều giống và trái không đẹp, kém chất lượng. Năm 2019, anh Hảo xem như thất bại hoàn toàn, chi phí đầu tư gần như kiệt quệ. Không bỏ cuộc, anh kiên trì học hỏi mô hình trồng dâu tây theo hướng hữu cơ và bước đầu đã thành công.
Hiện tại vườn dâu tây của anh Hảo được rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và đặt mua. Khi đến vườn đâu tây của anh Hảo, du khách có thể lựa chọn những quả dâu tây ưng ý nhất. Hiện tại, mỗi ngày anh Hảo xuất bán từ 40-50 kg với giá trung bình 200 ngàn đồng/kg. Trong đó, phần lớn khách hàng của anh Hảo là những siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Gia Lai, Quy Nhơn, Đà Nẵng và Đăk Lăk.
Đến thời điểm này, vườn dâu tây của chàng kỹ sư nông nghiệp luôn trong tình trạng không có hàng để cung cấp cho thị trường. Với hơn 8 sào, hàng năm trừ hết các khoản chi phí, anh Hảo thu về hơn 400 triệu đồng.
Chưa dừng lại, anh Hảo đang liên kết, mở rộng mạng lưới dâu tây ra nhiều nơi huyện Đăk Đoa, Ia Grai, TP. Pleiku… Theo đó, anh chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài việc mở rộng diện tích, anh Hảo cũng đang chú trọng nâng cấp sản phẩm phát triển theo hướng Vietgap và xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ.
Ông Phạm Đình Thắm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, mô hình dâu tây dù mới có tại địa bàn huyện nhưng được đánh giá rất tốt và có hiệu quả. Trước khi xây dựng mô hình trồng dâu tây, anh Hảo cũng đã đến các phòng ban chuyên môn để trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm. Đầu tiên, anh đưa về 6,7 loại giống dâu tây nhưng chọn lọc lại chỉ được 1,2 loại để phát triển.
Đáng nói, vườn dâu tây của anh Hảo đang trở thành điểm du lịch, thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan. Đối với dâu tây, thị trường bán 70-80 ngàn/kg, nhưng khi vào tại vườn du khách được lựa chọn hái thoải mái với giá bán khoảng 220 ngàn/kg.
Trong thời gian tới, huyện sẽ đăng ký nguồn vốn hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ cho anh Hảo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và trồng theo hướng hữu cơ.
Tuấn Anh – Đăng Lâm
Bình Luận