Sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Phù hợp các cam kết FTA, nâng cao sức cạnh tranh
Từ thực tiễn thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững…
Thực tế này được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra trong dự thảo tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật vừa được lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân từ ngày 25/9 đến ngày 25/11/2023.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
VIỆT NAM THAM GIA, KÝ KẾT NHIỀU ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, FTA LIÊN QUAN TỚI TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuât được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Dự thảo tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất hơn, doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Với chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đổi mới sáng tạo và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vị trí, vai trò của công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được cụ thể hoá thông qua nhiều Nghị quyết.
Cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều điều ước quốc tế liên quan tới hoạt động tiêu chuẩn chất lượng như Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong Thương mại (WTO/TBT), Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR).
Đặc biệt, gần đây, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam- Hàn Quốc (Hiệp định VKFTA, hiệu lực từ ngày 20/12/2015); FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu (Hiệp định VN- EAEU FTA, hiệu lực từ ngày 5/10/2016); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP, có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA, hiệu lực từ ngày 01/8/2020); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Trong các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP…) đều có điều khoản quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa liên quan đến xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại.
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÒI HỎI CỦA HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Luật Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế, đồng thời, các điều khác của luật này đã lồng ghép các quy định, cam kết về minh bạch hóa, hoạt động thông báo, hỏi đáp về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp.
Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng các quy định này còn ở mức cơ bản, chỉ phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, khi quy mô hợp tác kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế, khu vực chưa sâu rộng như hiện nay. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện nay chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo các FTA thế hệ mới với các cam kết mở hơn cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về tính công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, khu vực.
Về hợp tác quốc tế, Luật Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định những nội dung mang tính nghĩa vụ, thụ động của Việt Nam khi hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chưa thể hiện tính chủ động, tích cực của Việt Nam tham giao vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn chung, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chưa quy định đầy đủ về nghĩa vụ minh bạch hóa của Việt Nam cũng như thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ thông báo, hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại (tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp), chưa tương xứng với mức độ cam kết minh bạch hóa của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới, khi nội dung này trong các Hiệp định được quy định trong một điều riêng biệt, thể hiện tầm quan trọng vấn đề này.
Bên cạnh hội nhập quốc tế và yêu cầu minh bạch hoá, trong tình hình kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thị trường áp dụng tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực ngày càng đa dạng, tăng cao. Trong khi đó, hiện nay, nguồn lực xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam chủ yếu tập trung vào các cơ quan, ngân sách nhà nước nên số lượng, tính đa dạng của TCVN được công bố hàng năm không đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường, tổ chức, doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, các quốc gia phát triển và thực tiễn của Việt Nam cho thấy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tôn trọng, ưu tiên nhu cầu thị trường mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu không tập trung vào thị trường, các tiêu chuẩn được công bố, áp dụng sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp là hạt nhân của hoạt động tiêu chuẩn hoá, trực tiếp sản xuất kinh doanh, thấu hiểu nhu cầu thị trường, mong muốn của khách hàng. Việc xây dựng tiêu chuẩn phải có sự tham gia, xây dựng đầy đủ của các bên liên quan mà trong đó đặc biệt là từ phía doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu, vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước, vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp Việt Nam dùng sức mạnh của tiêu chuẩn đo lường chất lượng, biến thành năng lực đổi mới sáng tạo. Nếu thiếu một trong hai yêu cầu này sẽ không đạt được mục tiêu của việc sửa Luật.
Nhĩ Anh
Bình Luận