Nông sản Việt xuất khẩu gặp thách thức hàng rào kỹ thuật: Số lượng cảnh báo về kiểm dịch từ WTO tăng 12%
DNVN – Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, số lượng cảnh báo về dịch tễ và kiểm dịch từ các thành viên WTO với Việt Nam tăng 12%.
Văn phòng SPS Việt Nam vừa phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Sở Công Thương, cùng một số UBND huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết SPS các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Chia sẻ tại hội nghị, TS Đào Văn Cường- chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam chỉ rõ: SPS được các quốc gia thành viên tham gia Hiệp định xây dựng, công bố và bắt buộc áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên. Đó cũng có thể do một quốc gia công bố và bắt buộc áp dụng với các quốc gia xuất khẩu.
TS Đào Văn Cường- chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.
Mỗi quốc gia thành viên WTO chỉ áp dụng các biện pháp SPS được chứng minh bảo đảm khoa học, phù hợp với rủi ro có liên quan. Đồng thời, bên nhập khẩu sẽ bảo đảm các yêu cầu công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, giảm thiểu tiêu cực tới thương mại.
Với riêng thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chỉ rõ: Hàng hóa xuất khẩu phải được phía EU cho phép nhập khẩu và được cấp các chứng nhận phù hợp. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần chứng nhận và bảo đảm hàng hóa đáp ứng các điều kiện, yêu cầu của EU.
Một số mặt hàng của Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ EVFTA. Ví dụ, EU cam kết thuế 0% dành cho hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với gạo xay xát và gạo thơm. Riêng mặt hàng gạo tấm không còn hạn ngạch và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm.
Một số sản phẩm khác được EU cấp hạn ngạch mỗi năm, gồm 500 tấn trứng gia cầm, 400 tấn tỏi, 5.000 tấn ngô, 30.000 tấn bột sắn, 11.500 tấn cá ngừ, 20.000 tấn đường.
“Tuy nhiên, nông sản Việt cũng gặp thách thức với các hàng rào kỹ thuật. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng cảnh báo từ các thành viên WTO với Việt Nam tăng 12%. Với thị trường EU, cảnh báo nhiều nhất là về dư lượng hóa chất”, ông Cường nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đắc Bình Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Vấn đề truy xuất nguồn gốc được nhắc đến như một yêu cầu bắt buộc của nhiều FTA đa phương. Riêng thị trường EU, từ 1/1/2005, khối này đã đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU.
Với thị trường Trung Quốc, phía bạn yêu cầu từ năm 2019, 9 loại trái cây nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam phải được truy xuất nguồn gốc, gồm: Vải thiều, nhãn, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, chuối, mít, xoài, măng cụt.
Lắng nghe ý kiến của các đơn vị chuyên môn, bà Cầm Thị Phong- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ: “Công tác tuyên truyền về việc thực thi cam kết SPS là hết sức cần thiết. Thông qua những hội nghị như vậy, chúng ta mới biết chính xác mình đang đứng chỗ nào, và cần thay đổi ra sao; từ cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cũng như việc ghi chép đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu”.
Nông sản Việt gặp nhiều thách thức với các hàng rào kỹ thuật.
Là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với hơn 82.000 ha cây ăn quả, Sơn La đã chủ động thành lập một tổ công tác, kết nối trực tiếp với các cửa khẩu, nhằm kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp, HTX, giúp họ sớm nắm thông tin thị trường trước khi vận chuyển hàng hóa.
Sau thành công từ đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2015-2020, Sơn La tiếp tục chuyển dịch từ nền nông nghiệp sản lượng sang nâng cao chất lượng hàng hóa. Tỉnh chú trọng những sản phẩm đặc sản, có giá trị hàng hóa lớn, giúp lan tỏa những tiến bộ kỹ thuật nhiều hơn tới người dân.
Đồng thời, tỉnh cũng liên tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để bảo đảm không bị gián đoạn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, huyện tiếp tục xác định thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, bên cạnh việc đưa nông sản tiếp cận dần với EU.
“Chúng tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp thu mua, nhằm bảo đảm yêu cầu kiểm dịch thực vật của thị trường nhập khẩu. 3 yếu tố huyện Sông Mã luôn tuyên truyền tới bà con, là mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng, và tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn như VietGAP, cũng như tạo điều kiện để đưa nông sản đến các trạm Eurofins kiểm nghiệm mức dư lượng trước khi xuất sang EU”, ông Phương nói.
Hà Anh
Bình Luận