Nhìn lại CPTPP sau 4 năm
Những khó khăn kinh tế ngày càng tăng, do những vấn đề từ lạm phát tăng đến căng thẳng địa chính trị, tiếp tục đặt ra những thách thức kinh tế cho các nước trên toàn thế giới khi phục hồi từ đại dịch.
Tác giả bài viết trên tờ The Business Times nhận định, những khó khăn kinh tế ngày càng tăng, do những vấn đề từ lạm phát tăng đến căng thẳng địa chính trị, tiếp tục đặt ra những thách thức kinh tế cho các nước trên toàn thế giới khi phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ngay cả khi một số nền kinh tế lựa chọn hướng nội, những thành tựu của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bốn năm tuổi đã cung cấp một lý lẽ thuyết phục cho tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế lớn hơn.
Nghiên cứu của Viện Cạnh tranh châu Á (ACI) đã chỉ ra dấu hiệu của sự hợp tác kinh tế ngày càng tăng giữa các thành viên CPTPP. Tác động tích cực của hiệp định này đối với thương mại và đầu tư là rõ ràng và có tiềm năng lớn để các quốc gia thành viên hợp tác trong nghiên cứu và phát triển chung.
CPTPP cũng nổi lên như một chuẩn mực chính sách, với thực tế các hiệp định kinh tế số (DEA) gần đây vay mượn hoặc điều chỉnh ngôn từ của CPTPP đối với những vấn đề nhạy cảm về kỹ thuật số. Việc khuyến khích phổ biến và áp dụng hơn nữa những tiêu chuẩn này có thể mở đường cho các tiêu chuẩn kỹ thuật số có thể tương tác.
CPTPP có thể đang ở giai đoạn ban đầu, nhưng những ảnh hưởng tích cực mà hiệp định này tạo ra cho đến nay sẽ củng cố tương lai của hiệp định. Việc hiểu được những tác động này và tiềm năng tổng thể của hiệp định trong việc hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ là “chìa khóa” để mở ra giá trị đầy đủ của CPTPP.
* Giữa những lợi ích kinh tế và tác động chính sách
Những năm qua đã chứng kiến các mối liên kết ngày càng tăng giữa các thành viên CPTPP. Sự phục hồi mạnh mẽ về trao đổi hàng hóa trong nội bộ CPTPP từ năm 2019 đến 2021 là có thể quan sát được, với giá trị tăng từ 467 tỷ USD lên 535 tỷ USD. Những tác động tạo ra từ thương mại này là đặc biệt mạnh mẽ đối với các nước thành viên mà trước khi tham gia CPTPP không có các thỏa thuận thương mại với các nước thành viên bạn bè khác.
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy mức tăng từ 0,5% đến 22,9% giá trị nhập khẩu và 0,7% đến 12% giá trị xuất khẩu trong nội bộ CPTPP tương quan với việc cắt giảm 1 điểm phần trăm thuế liên quan đến CPTPP. Điều đáng chú ý là thương mại dịch vụ kỹ thuật số mở rộng. Cũng có những dấu hiệu ban đầu đầy hứa hẹn là các nền kinh tế đang được hưởng rộng rãi những lợi ích thương mại này, bao gồm các lĩnh vực, quy mô doanh nghiệp và các nhóm dân số khác nhau.
Ngoài thương mại, CPTPP còn có ảnh hưởng tích cực đối với đầu tư và đem lại khuôn khổ hữu ích cho hợp tác công nghệ giữa các nước thành viên. Mặc dù việc tạo vốn đầu tư tổng thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ từ 17,6 tỷ USD năm 2020 lên 25,5 tỷ USD năm 2021.
Phân tích số liệu đăng ký bằng sáng chế từ năm 2010 đến 2019 cũng đã cho thấy các hoạt động nghiên cứu và phát triển xuyên biên giới giữa các nước thành viên CPTPP được kết nối phong phú, từ đó cho thấy tiềm năng lớn cho sự hợp tác trong việc nghiên cứu chung trong tương lai.
Ít nhận thấy hơn, nhưng không kém phần quan trọng, là vai trò của CPTPP với tư cách là một chuẩn mực chính sách cho các thỏa thuận thương mại. Khi các chính phủ tìm kiếm sự cân bằng giữa tiềm năng sử dụng dữ liệu cho các mục đích công và tư với nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tội phạm mạng, các điều khoản của CPTPP đối với các vấn đề về truyền dữ liệu nổi lên như một điểm tham chiếu quan trọng.
Cả CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA) giữa Singapore, Chile và New Zealand đòi hỏi các bên “không áp đặt các hạn chế… lớn hơn mức cần thiết để đạt được (một mục tiêu chính sách công hợp pháp)”. Tương tự, DEA của Singapore với Hàn Quốc, Australia và Vương quốc Anh “bắt chước” CPTPP về việc không khuyến khích các luật bắt buộc các công ty phải trang bị các cơ sở điện toán trong một lãnh thổ cụ thể.
Tác động của CPTPP với tư cách là một chuẩn mực chính sách phụ thuộc vào khả năng điều hướng giữa việc cho phép các ngoại lệ đối với các mục tiêu chính sách công và giới hạn chung đối với những lợi ích an ninh. Các điều khoản của hiệp định yêu cầu hạn chế có tỷ lệ đối với các luồng dữ liệu và không giống với một số thỏa thuận đa phương, cho phép giải quyết tranh chấp về vấn đề truyền dữ liệu. Mặc dù còn tồn tại một số lỗ hổng, nhưng những điều khoản này soi sáng con đường khả thi hướng tới hợp tác về các vấn đề dữ liệu.
* Hướng tới tương lai
Những tác động tích cực và giá trị chính sách của CPTPP đã góp phần làm cho hiệp định này trở nên phổ biến. Việc thực hiện hiệp định này đã lấy được đà. Malaysia gần đây đã công bố phê chuẩn hiệp định tại cuộc họp của Ủy ban CPTPP vào ngày 8/10 vừa qua. Kể từ năm 2018, ủy ban này cũng đã nhận được 5 đơn xin gia nhập, với nhiều nước khác bày tỏ sự quan tâm.
Tuy nhiên, điều cũng quan trọng là không nên chỉ nhìn vào những lợi ích nhỏ. Ngoài tác động trực tiếp đến các hoạt động thương mại và đầu tư, CPTPP còn có vị trí tốt để hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bằng việc thu hút các quốc gia xin tham gia với sự năng động về kinh tế và khuyến khích hợp tác đối với những vấn đề kỹ thuật số cụ thể, CPTPP có thể đặt nền tảng cho những thỏa thuận rộng rãi hơn và các tiêu chuẩn có thể tương tác.
Mối quan tâm của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Thái Lan, Indonesia và Philippines đối với việc tham gia hiệp định này cần được giải quyết, đặc biệt vì ASEAN đang khởi động một nghiên cứu về Hiệp định khuôn khổ kinh tế số toàn khu vực vào năm 2023. Việc thiết lập vốn từ vựng và sự hiểu biết về các tiêu chuẩn kỹ thuật số với nhiều nước thành viên ASEAN hơn sẽ hợp nhất hơn nữa các tiêu chuẩn của CPTPP vào cấu trúc khu vực.
Tương tự, CPTPP có thể hoạt động như một con đường hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), như Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong đã đề cập tại cuộc họp của ủy ban CPTPP. Khi CPTPP mở rộng thành viên của mình và thiết lập nhiều mối liên kết hơn với các nền kinh tế khu vực, nó cũng sẽ đặt nền tảng cho FTAAP vốn là mục tiêu dài hạn của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kể từ khi ra mắt vào năm 1989.
Ngay cả ở giai đoạn ban đầu này, CPTPP rõ ràng là một công cụ đầy hứa hẹn cho thương mại và việc thiết lập tiêu chuẩn. Khi quá trình đánh giá giữa kỳ đối với hiệp định này bắt đầu, các nhà hoạch định chính sách nên nhận ra tiềm năng và nỗ lực phát triển hiệp định này hơn nữa./.
Nguyễn Thúy
Bình Luận