Nâng cao tuổi thọ cây cam bằng phân hữu cơ
Khi áp dụng quy trình 9:1 (phân hữu cơ 90%; phân vô cơ 10%), tuổi thọ cây cam ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) tăng từ 10 – 12 năm lên 15 – 20 năm.
Huyện Vũ Quang được thành lập từ một phần địa giới hành chính của huyện Hương Sơn và Hương Khê. Độ chục năm về trước, trên bản đồ cây ăn quả có múi của tỉnh Hà Tĩnh, chỉ gọi tên huyện Hương Sơn và Hương Khê.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, Vũ Quang đã bứt phá thành “thủ phủ” trồng cam hiệu quả nhất nhì Hà Tĩnh, với tổng diện tích đến thời điểm này đạt 2.580 ha (tăng 930 ha so với năm 2015). Trong đó, diện tích cho thu hoạch 1.650 ha; sản lượng bình quân hàng năm trên 16.500 tấn; hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đạt hơn 300 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, ngoài phát triển mạnh về diện tích, Vũ Quang còn được ngành chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao trong việc bảo tồn cây đầu dòng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao tuổi thọ, năng suất, chất lượng cây cam.
Hiện có 6 cây cam chanh, 12 cây cam bù trên địa bàn huyện được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận và bảo tồn cây đầu dòng; 150 ha áp dụng công nghệ tưới tự động tiết kiệm nước; 70% diện tích cam áp dụng kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ sinh học để bón lót hàng năm.
Ngoài ra, các hộ trồng cam cũng đã đưa nhiều giải pháp kỹ thuật mới mang tính hữu cơ, an toàn cho sản phẩm vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh như: bao quả, sử dụng thuốc sinh học, dầu khoáng, bẫy bã…
Riêng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến thời điểm này toàn huyện nhân rộng được hơn 700 ha và có 7 sản phẩm cam được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Cam Vũ Quang cũng được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, trong vô số giải pháp kỹ thuật được áp dụng, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình 9:1 (phân hữu cơ 90%; phân vô cơ 10%) đã thay đổi căn bản hiệu quả của cả quá trình sản xuất cam.
Gia đình anh Nguyễn Công Thành, thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) khởi nghiệp trồng cam từ năm 2010 với diện tích 3 ha. Hiện 1,5 ha đã cho thu hoạch.
Giai đoạn đầu bắt tay sản xuất, anh Thành vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có những thời điểm, mua giống cam ở Nghệ An về trồng 5 – 6 năm mà không có quả, anh phải chặt bỏ trồng lại.
Theo anh Thành, cây cam cũng giống con người, phải cho ăn đầy đủ chất, bài bản thì mới có thể sống khỏe. Giai đoạn đầu mới trồng, anh hơi lạm dụng phân bón vô cơ nên tuổi thọ cây cam chỉ được khoảng 9 – 10 năm là giảm năng suất, chất lượng.
Sau khi học tập kinh nghiệp từ các hộ đi trước, anh điều chỉnh tỷ lệ bón 90% phân hữu cơ, 10% phân vô cơ, kể từ đó, cây cam phát triển đồng đều, ít sâu bệnh; năng suất, chất lượng cam nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, đất đai ngày càng tơi xốp, phì nhiêu, không bị rửa trôi, bạc màu.
“Trước đây, cây cam phát triển khoảng 8 năm là có biểu hiện còi cọc, năng suất thu hoạch chỉ nằm mức 5– 7 yến/cây, thậm chí có những cây chỉ được 2 – 3 yến, nhưng bây giờ có những cây tuổi thọ 10 – 11 năm vẫn cho năng suất 1,3 – 1,5 tạ. Nói chung, việc sử dụng phân bón cực kỳ quan trọng, nó là yếu tố tiên quyết cho việc nâng cao tuổi thọ của cây cam”, anh Thành nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, ngoài nuôi 5 con bò để lấy phân, mỗi năm gia đình anh bỏ ra trên dưới 50 triệu đồng để mua phân hữu cơ bón cho cam.
Đồng quan điểm, anh Lê Doãnh Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cam hữu cơ Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang khẳng định, việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất cam là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo tính bền vững.
Nó không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ mà còn bảo vệ đất, nâng cao tuổi thọ cho cây trồng, hạn chế sâu bệnh, đúng như khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trong chuyến kiểm tra vùng trồng cam huyện Vũ Quang hồi cuối năm 2018.
Theo anh Hùng, 10/10 hộ trong tổ hợp đều tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình bón phân hữu cơ cho cây cam. Toàn bộ phân chuồng được ủ hoai mục trước khi bón nhằm đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ, tránh hiện tượng mất đạm, tiêu diệt mầm bệnh, nấm…
Hiện các mô hình trồng cam tập trung ở Vũ Quang đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp như: Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong; Công ty TNHH sản xuất Giống cây trồng Hà Tĩnh… Khối lượng tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết hàng năm đạt hơn 4.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng cam toàn huyện.
Thanh Nga – Võ Dũng
Bình Luận