Một góc nhìn về cuộc hợp tác chiến lược, lâu dài của nước Đức và Trung Quốc
Khi tôi viết bài này thì đang xảy ra vụ phản đối ồn ào nhắm vào ý định của Thủ tướng Đức sẽ bán một phần cảng Hamburg cho Trung Quốc.
Cảng Hamburg được xem là cửa ngõ vào châu Âu và hòa nhập với thế giới của nước Đức. Đây là cảng bận rộn thứ hai ở châu Âu về lượng container thông quan. Ảnh: DW.
Ông Olaf Scholz cho biết sẽ công du Trung Quốc vào đầu tháng 11/2022 và chuyến đi cũng quyết định việc bán cổ phần của cảng.
AFP hôm 22/10 dẫn một nguồn thạo tin cho biết Ủy ban châu Âu đã cảnh báo chính phủ Đức hồi đầu năm nay về việc bán cảng. Nhật báo kinh tế Handelsblatt tương tự cũng đã nhắc lại ý kiến cảnh báo của EU trên số báo ngày 21/10.
Ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền, sáu bộ trong chính quyền liên bang: Kinh tế, Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông và Ngoại giao đã đồng lòng phản đối. Bởi dự án nhượng 35% cổ phần, cho phép tập đoàn Cosco của Trung Quốc được quyền tham gia vào việc khai thác một cảng bốc dỡ hàng hóa tại Hamburg.
Cảng biển Hamburg là cảng thương mại lớn nhất nước Đức, đứng hàng thứ ba tại châu Âu, sau Rotterdam (Hà Lan) và Anvers (Bỉ), trong khi Cosco là hãng tàu lớn nhất của Trung Quốc. Các nhà lập pháp từ đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do, công khai chỉ trích kế hoạch này. Đây hai đảng đã liên minh vào năm ngoái với đảng Dân chủ Xã hội của ông Olaf Scholz cùng thành lập chính phủ.
Trong khi đó, ban giám đốc cảng Hamburg HHLA lại khẳng định rằng họ sẽ giữ “quyền kiểm soát duy nhất đối với tất cả các quyết định quan trọng” nếu Cosco nắm 35% cổ phần. Họ cho rằng: “Sự hợp tác giữa HHLA và Cosco không tạo ra bất kỳ sự phụ thuộc một chiều nào, mà ngược lại củng cố chuỗi cung ứng, đảm bảo việc làm và thúc đẩy tạo giá trị ở Đức”.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói Berlin phải tránh lặp lại với Trung Quốc những sai lầm xảy ra với Nga trong những năm gần đây, dẫn đến sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga. Các cơ quan tình báo Đức cũng cảnh báo trong tuần này về sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc và cách nó có thể trở thành nguy cơ đối với Đức.
Thủ tướng Scholz viện dẫn rằng việc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động khai thác cảng biển “đã có tại nhiều cảng biển khác ở Tây Âu”. Trong đó, cảng biển Anvers và Rotterdam, đã từng đúc kết các thỏa thuận tương tự như thế trong quá khứ, và điều này đã khiến cho chính quyền Hamburg lo sợ mất lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, EU cho rằng thời kỳ đã thay đổi. Bruxelles cho rằng việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu có một tầm quan trọng lớn nhất là với Đức, đã không quan tâm đúng mức đến những cảnh báo liên quan đến sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Mở cửa với Trung Quốc và lại ném mất chìa khóa?
Mối duyên tình gắn bó tưởng không thể rời nhau giữa Đức và Trung Quốc bắt đầu từ mùa thu năm 1984. Helmut Kohl đã đến Trung Quốc với sứ mệnh một nỗ lực “hiện đại hóa kéo dài hàng thế kỷ”.
Sau khi giám sát việc khởi công nhà máy Trung Quốc đầu tiên của Volkswagen tại Thượng Hải, Kohl trở về và nói với Quốc hội rằng ông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết tâm xây dựng một “đối tác lâu dài, ổn định”. Cuộc hợp tác gắn bó đến nỗi Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho sự thịnh vượng lâu dài của Đức. Và điều mà có lẽ Đức không nghĩ đầy đủ là phải làm gì nếu Bắc Kinh sử dụng chiếc chìa khóa đó để khóa họ vào một mối quan hệ kinh tế mà họ không thể thoát ra. Thực tế là sự ràng buộc, vướng mắc kinh tế của Đức với Trung Quốc đã trở nên sâu rộng đến mức đảo ngược nó không còn là một lựa chọn thực tế.
Các công ty công nghiệp lớn của Đức – bao gồm gã khổng lồ kỹ thuật Siemens, hãng xe hơi Volkswagen và hãng hóa chất BASF – là một trong những công ty phương Tây đầu tiên đặt cược lớn vào Trung Quốc vào những năm 1980 và đã phát triển mạnh mẽ kể từ đó. Quan hệ làm ăn với Trung Quốc càng gấp bội sau những chuyến thăm của bà Angela Merkel. Kể từ khi trở thành thủ tướng năm 2005, bà Merkel đã tới Trung Quốc hàng chục lần.
Mặc dù hầu hết các ngành công nghiệp của Đức không mong đợi Trung Quốc sớm thay đổi mô hình chính trị, nhưng họ tin rằng nước này sẽ mở cửa cho nhiều cạnh tranh hơn, giống như phương Tây đã làm đối với Trung Quốc. Tất cả những kỳ vọng đó đã tan biến vào năm 2017 khi Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc phải có vai trò rõ ràng trong việc ra quyết định của doanh nghiệp. Một luật an ninh mạng gần đây buộc các công ty phải cấp cho chính quyền Trung Quốc quyền truy cập vào mạng của họ, bất chấp là họ phải bảo vệ bí mật thương mại.
Đầu năm 2019, Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) đã xuất bản báo cáo nhấn mạnh rằng “chiến lược mở cửa Trung Quốc của phương Tây đã thất bại”. Trung Quốc sẽ không trở thành một nền kinh tế tự do, theo định hướng thị trường. Báo cáo đã đưa ra 54 khuyến nghị, bao gồm tất cả mọi thứ, từ chi tiêu cao hơn cho R&D đến các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc bán phá giá của các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo cáo đã gây tranh cãi trong chính cộng đồng doanh nghiệp Đức. Trên thực tế là Trung Quốc rất nhanh đã bắt kịp nước Đức. Trước đây, các công ty công nghiệp của Đức đã chống lại những nỗ lực của Trung Quốc để đánh cắp công nghệ của họ bằng cách ngăn cản những cải tiến mới nhất của họ được đưa ra khỏi thị trường Trung Quốc. Chiến lược đó ngày càng trở nên khó khăn khi các đối thủ Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn, buộc các công ty Đức phải đưa các sản phẩm hàng đầu của họ vào thị trường Trung Quốc.
Đối với toàn ngành công nghiệp Đức, câu hỏi dài hạn là liệu việc tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc có đáng để mạo hiểm hay không.
Trung Quốc dần xóa sổ công nghiệp Đức?
Ngày nay, nước Đức đang dần dần nhận ra rằng một chiến lược công nghiệp quốc gia dựa trên sức mạnh tổng hợp với Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt. Trên thực tế, mối quan hệ đối tác như cách bà Merkel mong muốn đã chết. Theo Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng của Enodo Economics, một tổ chức dự báo kinh tế vĩ mô và chính trị ở London thì: Sức mạnh tổng hợp giữa Trung Quốc và Đức đã phát huy tác dụng. Trung Quốc đóng góp bằng lương công nhân và chi phí đầu vào thấp. Người Đức đã đóng góp bí quyết kỹ thuật và thành quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu và đột phá về kỹ thuật. Lao động trẻ Trung Quốc có việc làm. Các nhà đầu tư lớn tuổi của Đức đã kiếm được lợi nhuận.
Nhưng cuối cùng, Đức đã thua ý chí học hỏi và sức mạnh sản xuất của Trung Quốc. Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đang vượt qua Đức, chắc chắn về quy mô và có lẽ sẽ sớm về chất lượng. Sự tập trung không ngừng của Trung Quốc vào số hóa và các công nghệ mới nổi khác đang giảm bớt sự phụ thuộc vào đối thủ có thời kỳ hoàng kim về sản xuất và kỹ thuật là vào những năm 1970.
Phân tích ban đầu của Enodo Economics cho thấy chính sách công nghiệp “Made in China 2025” của Bắc Kinh đã thực hiện đúng những gì các nhà nghiên cứu kinh tế từng cảnh báo.
Có thể nhắc đến hai cú sốc. Cú sốc thứ nhất đến từ hơn một thập kỷ trước. Khi nước Đức, tưởng mình tận dụng được cơ hội khi châu Âu yêu cầu sử dụng các tấm năng lượng mặt trời, thì bỗng sự xuất hiện bất ngờ của các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc đã quét sạch ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tiên tiến của Đức. Người ta biết đó là nhờ Đức mở nhà máy ở Trung Quốc và người Trung Quốc bên cạnh mang lại nhiều lợi ích kinh tế khiến nhà kinh doanh Đức hả hê, cũng đã lặng lẽ học và tự sản xuất để cạnh tranh vượt mặt Đức. Giờ đây, kinh nghiệm đó có thể sẽ lặp lại trên nhiều ngành công nghiệp.
Một cú sốc thứ hai xảy ra vào tháng 5/2021 khi Berlin từ chối gia hạn bảo lãnh đầu tư cho nhà máy lắp ráp gây tranh cãi của Volkswagen ở Tân Cương, nơi có một triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ đã bị buộc đi học nghề ở những trại đặc biệt. Volkswagen tại đây lại cho biết không có lao động cưỡng bức tại nhà máy của họ. Và chính nước Đức phải bất ngờ…
Nước Đức sẽ phải thoát khỏi hai sự phụ thuộc chết người: phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga và phụ thuộc vào các liên doanh của Trung Quốc. Thủ tướng Olaf Schulz đã thực hiện một số bước để tách khỏi Nga, nhờ cuộc chiến ở Ukraine. Còn đối với việc tách công ty với Trung Quốc, thay đổi trạng thái quen thuộc suốt thập kỷ qua, hầu như các đại công ty của thế giới đều có sự tham gia của Trung Quốc. Nước Đức cũng như mọi nước khác, nhận ra rằng họ không thể bỏ hết trứng vào giỏ Trung Quốc.
Kiểu công nhân biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc và nhiều biểu hiện trong cạnh tranh khác đã thuyết phục các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc rằng họ cần một chiến lược “Trung Quốc cộng một” và thế là hình thành các trung tâm sản xuất mới ở Đông Nam Á.
Từ đó, Berlin biết rằng họ sẽ không còn ghi séc trống để các công ty Đức đầu tư vào đối thủ đang làm xói mòn sức mạnh của nền công nghiệp Đức.
“Nước Đức theo chúng tôi cần chuẩn bị tinh thần tỉnh táo cho sự phân hóa sắp tới của châu Âu với Trung Quốc trên mọi mặt: chính trị, kinh tế và chiến lược. Với nước Đức, một chiến lược mới là cần thiết. Ngành công nghiệp Đức khó có thể áp dụng lâu dài mô hình Trung Quốc cộng thêm một nước thứ ba”, tổ chức nghiên cứu Enodo Economics nói.
Thay vào đó, bước đầu tiên nên là đầu tư vào các công nghệ và thực hành hiện đại để chiếm lĩnh lại vị trí tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp.
Kim Hạnh (theo TGHN)
Bình Luận