Khởi động dự án thương mại sinh học vùng cho ngành dừa Việt Nam
Ngày 29/8, tại Bến Tre, Hiệp hội Dừa Việt Nam phối hợp với Biotrade Việt Nam đã chính thức “bấm nút” khởi động “Dự án thương mại sinh học vùng cho ngành dừa Việt Nam”.
Đây là dự án do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ và Trung tâm Phát triển kinh tế Nông thôn Việt Nam (CRED) triển khai thực hiện.
Dự án được thiết kế nhằm giúp các doanh nghiệp ngành dừa có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp thị, tiếp cận thị trường và tài chính để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh các hoạt động tập huấn, hỗ trợ, tư vấn xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… đáp ứng các tiêu chuẩn UEBT (bảo tồn đa dạng sinh học thông qua thương mại bền vững các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên), dự án cũng tổ chức các hoạt động quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường cho các doanh nghiệp và nâng cao thu nhập người dân ở khu vực trồng dừa.
Sau khi thí điểm ở Bến Tre, dự án sẽ tiếp tục triển khai ở các vùng trồng dừa khác tại Trà Vinh, Bình Định, Phú Yên… nhằm giúp các doanh nghiệp địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, cung ứng hiệu quả, tập trung vào khâu chế biến sâu, chất lượng cao, để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu dừa lớn như: Philippines, Indonesia, khu vực Nam Mỹ…
Dừa là một loại cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, với tổng diện tích trồng hơn 77.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa hàng năm trên 350 triệu USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản phẩm dừa Bến Tre cũng đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ… Ngoài ra, Bến Tre hiện có hơn 16.000 ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của một số nước nhập khẩu, trong đó gần 10.000 ha đã đạt chứng nhận. Định hướng đến năm 2030, Bến Tre sẽ phát triển 30.000 ha dừa hữu cơ.
TUẤN ANH
Bình Luận