Indonesia ồ ạt nhập nông sản Việt
Bị ảnh hưởng vì thời tiết thiếu thuận lợi nên 5 tháng đầu năm, Indonesia chi tiền mua gạo Việt gấp 15 lần, cà phê gấp gần 2 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, các thị trường chính như Mỹ, EU giảm mua. Tuy nhiên, vẫn có những quốc gia lội ngược dòng, nhập nông sản Việt ồ ạt trong nửa đầu năm.
Trong top 10 quốc gia nhập khẩu lớn – Indonesia có sự tăng trưởng đột biến khi tăng mua hầu hết các loại nông sản Việt. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang nước này như thủy sản, rau quả, cà phê, gạo đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2022.
Theo đó, 5 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt hơn 181 triệu USD, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ 2022, chiếm 9,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo Việt trong nửa đầu năm. Indonesia từ vị trí thứ 8 vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt nhiều nhất, chỉ sau Philippines và Trung Quốc.
Sau gạo, cà phê là mặt hàng được Indonesia tăng mua với kim ngạch 5 tháng đạt hơn 76 triệu USD, tăng trên 185%. Tiếp đến là rau quả và thủy sản với kim ngạch lần lượt 2,44 triệu USD và 7,83 triệu USD, tăng khoảng 20% và 70% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, nguyên nhân khiến nước này tăng nhập nông sản là do hiện tượng “EL Nino xuất hiện” có thể gây hạn hán tại nước này từ tháng 5 đến tháng 7. Do đó, Bộ này dự báo diện tích và sản lượng ở vụ thu hoạch tháng 7-8 đối với các mặt hàng nông sản có thể sụt giảm mạnh.
Dù đang trong vụ thu hoạch chính, tình hình thu mua gạo dự trữ, cà phê của nước này gặp rất nhiều khó khăn. Theo Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia, sản lượng thu mua gạo dự trữ nước này rất thấp.Triệu USDKim ngạch nhập khẩu các loại nông sản Việt của Indonesia
Chính phủ Indonesia trước đó ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ năm nay, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá, hỗ trợ gạo cho 21,5 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác.
Ngoài Indonesia, nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang tăng mua nông sản Việt do nguồn cung sụt giảm bởi ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung nông sản chủ lực như cà phê, gạo, thủy sản trên thế giới đang đi ngang và có nguy cơ lao dốc khi “EL Nino đã xuất hiện”. Do đó, giá các mặt hàng này sẽ tăng cao và nhu cầu dự trữ được nhiều quốc gia đẩy mạnh.
Thi Hà
Bình Luận