03-03-2222 . bởi Phạm Tâm

Hướng đến mục tiêu Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường vào 2025

Hiện nay trung bình mỗi năm, Việt Nam đang thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Hướng đến mục tiêu Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường vào 2025

Ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn với thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Ngày 28/2/2022, tại hội thảo “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, cùng với Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã đánh giá các kết quả chuyển biến sau hai năm hợp tác công tư quản lý rác thải nhựa.

Phân loại hơn 9.000 tấn rác tái chế

Các thành viên của hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa đã hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa.

Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật – giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tạo bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức

Nhiều chương trình hành động phối hợp với các đối tác đã được thực hiện, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thói quen của người dân đối với rác thải nhựa. Hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã, 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội.

Các hoạt động giáo dục học sinh và hướng dẫn thu gom rác thải được tiến hành tại 32 trường học, tiếp cận hơn 15.000 học sinh tại Hà Nội và hơn 1.300 học sinh tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn 50 cơ quan bộ ngành cũng tích cực truyền thông và lan toả cho dự án, bằng việc sử dụng 1.700 thùng rác đặc biệt sản xuất từ 30 tấn rác thải nhựa tái chế, có chức năng phân loại rác tại nguồn. Tổng thể, các dự án đạt hơn 12 triệu lượt tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, các công nghệ và giải pháp khoa học từ các quốc gia tiên tiến liên tục được các thành viên hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa nghiên cứu và ứng dụng, với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bao bì và hạt nhựa tái chế, như: biến rác thải nhựa thành “Đường nhựa tái chế”, sản xuất bao bì 100% có thể tái chế…

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa

Hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa đã tham gia vào Tổ Công tác Trách nhiệm Nhà Sản xuất Mở rộng (EPR), phối hợp cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường tuyên truyền phổ biến và tập huấn quy định về EPR, trực tiếp trao đổi và kêu gọi sự hỗ trợ từ cấp chính quyền địa phương để triển khai và thúc đẩy các mô hình thu gom phân loại rác tại địa phương, trường học.

Hướng đến mục tiêu 2025 Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường

Từ những bước tiến lạc quan trong 2 năm qua, hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa tiếp tục đề ra lộ trình trong những năm tới, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025, bao gồm những nhiệm vụ sau:

Giáo dục thay đổi hành vi

Các hoạt động được chú trọng bao gồm: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục nhằm thay đổi thói quen, khuyến khích hành động của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn quốc; (2) Hỗ trợ phổ biến rộng rãi các quy định và luật trong quản lý và phân loại rác thải tại nguồn; (3) Phổ cập chuẩn hóa mô hình phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn quốc.

Phân loại rác tại nguồn

Từ những thí điểm thành công ban đầu, hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa sẽ đẩy mạnh các dự án và mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc, nhằm tạo và củng cố thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân. Các sáng kiến thu hồi bao bì nhựa, tái chế rác thải nhựa được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai, nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam.

Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến ví như tại Hà Nội: Dự án Hợp tác quốc gia nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam, Mô hình thu gom phân loại rác tại nguồn – Đổi rác lấy quà, Dự án The Plastic Reborn tại quận Hoàn Kiếm; tại Vũng Tàu: Dự án Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa – mô hình thí điểm cộng đồng tại Ấp 1, xã Long Sơn; tại Đồng bằng Sông Cửu Long: Dự án Không rác thải ra sông Mê Kông – mô hình thí điểm tại Chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn.

Công nghệ & Sáng kiến trong tái chế

Lộ trình 2022 – 2025 đặt ra mục tiêu nghiên cứu, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa có giá trị thấp, từ đó nâng cao kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam: Khép kín vòng tuần hoàn: Áp dụng công nghệ tiên tiến, kết hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để thiết kế và sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa có thể tái sử dụng hoặc tái chế; Không rác thải: Tăng cường, thúc đẩy hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa tái chế;

Một số dự án tiêu biểu bao gồm đường nhựa tái chế, gạch, ngói sinh thái từ rác thải nhựa có giá trị thấp; hạt nhựa tái chế; năng lượng từ chất thải, biến chất thải nhựa thành RDF; bao bì tái chế: thúc đẩy thiết kế 100% có khả năng tái chế và sản xuất bao bì vật liệu có thể sử dụng và tái chế

Đối thoại và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn

Tầm nhìn dài hạn cho nhiệm vụ này trong lộ trình 2022 – 2025 bao gồm: hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đưa nhựa vào kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; đóng góp vào việc áp dụng toàn diện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR);

Cũng tại hội thảo, hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa đã vui mừng chào đón 24 thành viên mới gia nhập ngoài 04 thành viên sáng lập ban đầu. Với thành phần đa dạng từ chính quyền địa phương, các công ty nhựa tái chế, trường học, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp có cam kết cao về phát triển bền vững, chắc chắn hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa sẽ lan toả mạnh mẽ những thành tựu và nỗ lực bước đầu trong hai năm qua.

Bình Luận