EU đưa 9 cảnh báo với rau quả xuất khẩu của Việt Nam
Việt Nam có 9 loại rau quả tươi và chế biến bị Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo về mức độ an toàn trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF – Rapid Alert System for Food and Feed) của EU, trong đó có 40 cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam (chiếm 1,77% cảnh báo).
Riêng mặt hàng rau quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam.
Kết quả tổng hợp cho thấy các cảnh báo tập trung vào vi phạm dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin… trong quá trình sơ chế, chế biến.
Đơn cử, tại Hà Lan, quả chôm chôm nhập khẩu bị dư lượng thuốc trừ sâu chlorpyrifos ở mức 0.022 mg/kg, mức dư lượng tối đa cho phép 0.01 mg/kg buộc phải tiêu hủy.
Ớt đỏ đông lạnh nhập khẩu Hà Lan dư lượng cadmium ở mức 0,28 mg/kg, thuốc trừ sâu chlorpyrifos ở mức 0,14 mg/kg, chlorfenapyr ở mức 0,23 mg/kg, chất cấm permethrin ở mức 0,22 mg/kg.
Cộng hòa Síp cũng tiêu hủy một sản phẩm tương ớt do chứa chất cấm E 110 – Sunset Yellow FCF và E124 – Ponceau 4R/cochineal red A. Nhà xuất khẩu sản phẩm này là Công ty TNHH Thực phẩm Đa Ta (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM).
Quả thanh long tiêu hủy tại Pháp do dư lượng Dithiocarbamates ở mức 0,16+-0,080 mg/kg, mức độ tối đa cho phép 0,05 mg/kg. Tại Italy có vải thiều dư lượng permethrin ở mức 1,14+-0,057 mg/kg, mức độ tối đa cho phép 0,05 mg/kg; hạt điều mối nguy với Aflatoxin ở mức 9,6 ± 2,7 µg/kg, mức độ tối đa cho phép 4,0 µg/kg.
EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô, theo Văn phòng SPS.
Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) – WTO, Văn phòng SPS Việt Nam đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản.
Tháng 6/2022, EU thông báo ban hành Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5/2022 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ 3/7/2022. Theo quy định này, có một số sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Đối với thanh long Việt Nam, EU tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục 2, Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, giữ tần suất kiểm tra 20%.
Đối với một số nông sản khác, EU giữ tần suất kiểm tra 50% đối với: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt.
Bình Luận