Dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Canada vẫn còn rất lớn
Chính phủ Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á, sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Ảnh minh họa.
Năm 2021, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada (theo thống kê của Hải quản Việt Nam) vẫn đạt mức tăng trưởng đáng kể, đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8%, cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu của Canada (12,84%). Đây là mức tăng trưởng dương năm thứ 3 liên tiếp kể từ 2019 sau khi Việt Nam và Canada chính thức là thành viên của Hiệp định thương mại tự do CPTPP.
Về cơ bản, tất cả các lĩnh vực xuất khẩu sang Canada có sự tăng trưởng so với năm 2020 trong đó mặt hàng về máy móc, điện, điện tử vẫn là nhân tố đóng góp chính vào giá trị xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD (tăng 8,9%). Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất ấn tượng của doanh nghiệp Việt Nam dẫn đến sự quan tâm của các doanh nghiệp Canada đối với sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam ngày càng nhiều.
Các sản phẩm dệt may, giày dép, túi xách sau khi bị sụt giảm trong năm 2020 đã lấy được đà tăng trưởng ấn tượng trở lại ở mức trên 1,4 tỷ USD (tăng 16,6%). Riêng lĩnh vực dệt may đạt trên 930 triệu USD, tăng 17,7%.
Đồ gỗ nội thất đạt 234 triệu USD tăng 6,5%. Đây là lĩnh vực có sự hợp tác cộng sinh hai chiều giữa doanh nghiệp hai nước, Canada xuất khẩu nguyên liệu gỗ sang Việt Nam để sản xuất, chế tác và nhập khẩu sản phẩm hoàn thiện trở lại Canada. Tại các chuỗi siêu thị lớn như: COSTCO, IKEA, LEON’S…có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm nội thất sản xuất từ Việt Nam.
Các sản phẩm nông, thủy sản tiếp tục khẳng định chỗ đứng tại thị trường, ví dụ hạt điều chiếm 90% thị trường, hạt tiêu chiếm 50%, tôm chiếm 30%… Một số loại hoa quả tươi đã được xuất khẩu sang Canada như: Bưởi, thanh long, xoài, chôm chôm, dừa, nhãn, vải… với giá trị khoảng 8 triệu USD/năm. Bưởi và Thanh long là những loại quả có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất do chất lương ngon hơn các loại tương tự trồng ở Trung-Nam mỹ và thời gian bảo quản được lâu dài, có khả năng vận chuyển bằng đường biển. Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, mặc dù nhu cầu thị trường là khá lớn nhưng tình trạng thiếu hụt, chậm container trong thời gian qua đã dẫn đến thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm nông sản từ Việt Nam tại thị trường này. Giá vận chuyển một container từ Việt Nam sang Canada đã tăng từ 3.000 đô la Canada lên 25.000 đô la. Thời gian vận chuyển từ 25 ngày lên đến 45 ngày, thậm chí có thời điểm “delay” đến 90 ngày. Chi phí vận chuyển bằng máy bay cũng ở mức từ 9-12 đô la Canada/kg, gây khó khăn lớn cho các nhà nhập khẩu.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á nhưng dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Canada vẫn còn rất lớn khi thị phần mới chỉ chiếm 1,7% giá trị nhập khẩu của Canada. Chính phủ Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Châu Á sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Minh Khôi
Bình Luận