Để trái cây Việt vươn xa
Để mở rộng thị phần, cũng như bám chắc thị trường quốc tế, theo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.Thời gian qua, trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… nhưng tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của thế giới từ Việt Nam chỉ chiếm 1%. Do đó, để mở rộng thị phần, cũng như bám chắc thị trường quốc tế, theo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, mặc dù vài năm trở lại đây, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan nhưng với số lượng không nhiều, đó là trái thanh long, quả vải, quả nhãn, chanh dây.Hơn nữa, trái cây Việt Nam phải cạnh tranh với trái cây của các nước châu Á khác như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia và trái cây của Nam Mỹ (xoài, bơ, mít, chanh dây), đặc biệt các loại trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều do lợi thế vận chuyển (thường từ 8-10 ngày), nguồn cung ổn định và lợi thế về giá.
Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, tại Hà Lan, trái cây Việt Nam nhập khẩu đa số phần phối tại các siêu thị châu Á do người gốc Trung Quốc, gốc Việt, Indonesia làm chủ hay các cửa hàng chuyên rau quả của người Thổ, Ấn Độ hay Pakistan.
Vì vậy, để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu thực sự là quá trình lâu dài, các hợp tác xã đòi hỏi sự đầu tư lớn: từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần) và quan trọng mà các nhà nhập khẩu Hà Lan yêu cầu là nguồn cung ổn định (trừ các loại theo mùa vụ như vải, nhãn).
Việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm rất quan trọng, nhất là người Hà Lan chính gốc, để dần dần thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng. Đặc biệt, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo GlobalGAP hay EuroGAP,… và đảm bảo nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm, hiểu tập quán kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng khi tiếp cận các thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh chia sẻ việc tại sao nước Anh không mua trái cây trực tiếp từ Việt Nam, vì người Anh không muốn kinh doanh với người lạ, họ chấp nhận mua hàng Việt Nam qua Hà Lan, Pháp, hay Đức, Czech, nhằm giảm rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng.
Bởi thế, doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng trực tiếp thì phải dành được niềm tin của người Anh giống như người Thái Lan, Singapore dành được niềm tin của Anh.
Còn theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, nhưng phần lớn vẫn còn chiếm thị phần khiêm tốn trên thị trường Nga.
Theo ông Dương Hoàng Minh, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang Nga có tăng trưởng mạnh kể từ khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, nhưng còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong nhập khẩu các mặt hàng này của Nga.
Qua trao đổi với các doanh nghiệp nhập khẩu, những nguyên nhân chủ yếu làm trái cây Việt Nam chưa cạnh tranh cao trên thị trường nước ngoài gồm chất lượng, kích cỡ trái cây chưa đồng đều, khó có thể thu mua được với khối lượng lớn; công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường; chi phí vận tải cao; diện mặt hàng chưa đa dạng và chủ yếu ở dạng tươi, sấy, dạng nước chưa có nhiều.
Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng diện mặt hàng trái cây từ Việt Nam sang Nga, Thương vụ Nga khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan/tham gia các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại Liên bang Nga, đặc biệt là World Food Moscow (tháng 9 hàng năm), Prodexpo (tháng 2 hàng năm),… để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ trái cây và sản phẩm trái cây… của người dân Nga, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã thành công trong thâm nhập thị trường Nga thông qua việc tham dự các hội chợ/triển lãm như hạt điều, đồ uống, xoài sấy, cà phê…
Theo Thương vụ, các mặt hàng của Việt Nam như chuối, vải, thanh long nếu làm thị trường tốt, các sản phẩm của Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Nga.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyển khích để các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo trái cây có kích cỡ, màu sắc tương đồng, chất lượng đồng đều; đầu tư vào khâu kỹ thuật đóng gói, công nghệ bảo quản sau thu hoạch từ thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ để đảm bảo chất lượng trong cả chuỗi cung ứng, để trái cây Việt có thể giữ được chất lượng lâu hơn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng diện mặt hàng đặc biệt là các sản phẩm sấy, nước quả với chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây tươi và các mặt hàng trái cây sấy và nước quả từ thanh long, mãng cầu, măng cụt, mít, vải, nhãn, xoài, bưởi.
Vì vậy, Thương vụ Đại sứ quán và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, các hợp tác xã trong việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến xuất khẩu trái cây và sản phẩm trái cây Việt Nam sang Nga.
Tại Australia, một số sản phẩm như xoài, vải, nhãn, thanh long Việt Nam được đánh giá rất cao và có uy tín, được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ. Tuy nhiên, để mở rộng xuất khẩu trái cây sang thị trường này, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia – khuyến nghị, doanh nghiệp cần tiếp tục giữ chất lượng ổn định, hình thức mẫu mã, bao bì, chất lượng, không cạnh tranh giảm giá.Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng ổn định, cạnh tranh bằng công nghệ bảo quản, theo ông Nguyễn Phú Hoà các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần thay đổi thị hiếu, thói quen người tiêu dùng nước sở tại cũng rất quan trọng. Câu chuyện thành công từ việc xuất khẩu quả vải Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng là một ví dụ điển hình.
Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng hệ thống Thương vụ các nước đã phát huy hiệu quả và tạo tiếng vang khá lớn, không chỉ người gốc Á biết về quả vải Việt mà cả người Hà Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Czech… cũng biết đến, thử và rất thích.
Hay tại Australia, trong chiến lược xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng khuyến nghị doanh nghiệp khi thiết kế bao bì nên quảng bá hình ảnh Việt Nam xanh, đẹp, có nền văn hóa đa dạng, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới.
Đặc biệt, khi đưa các sản phẩm mới vào Australia, thông báo với cơ quan thương vụ biết để cùng chung tay đề ra kế hoạch, chiến lược dài hạn.
Đơn cử như gạo, Thương vụ Việt Nam tại Australia có chiến lược quảng cáo xuyên suốt với khẩu hiệu “Việt Nam – vùng đất gạo ngon nhất thế giới” khẳng định được vị thế giá trị gạo Việt Nam tại Australia, hay hạt điều có khẩu hiệu “Hạt điều Việt Nam – cả thế giới lựa chọn”.
Hoặc sầu riêng Ri6 với slogan “Ri6 – một vị vua khác” với mục đích khẳng định sầu riêng Ri6 chất lượng rất ngon, không thua bất kỳ một sầu riêng nào khác…
Với chiến lược quảng cáo đó, từ chỗ là sản phẩm ít người biết tới do không có thương hiệu riêng nhưng đến nay, sầu riêng Việt Nam đã trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường Australia, có thương hiệu đặc trưng và khẳng định vị thế loại “trái cây vua” trong các dòng sầu riêng bán ở thị trường này.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu hàng rau, quả của thế giới tăng cao, trong khi đó tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới.
Đây chính là cơ hội để các hợp tác xã Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới, đặc biệt khi rau, quả là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)./.
Uyên Hương
Bình Luận