Cơ hội để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong bối cảnh thời gian vận chuyển hàng hóa trên thế giới tăng gấp đôi, chi phí vận chuyển tăng 3 – 4 lần, việc đi lại giữa các nước để kiểm tra hàng hóa trước khi mua khó khăn thì việc tìm được nhà cung ứng trong nước là điều nhiều doanh nghiệp mong muốn…
Liên tục trong vòng 12 tuần bắt đầu từ giữa tháng 10, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất Việt Nam và Hàn Quốc tổ chức các phiên thảo luận trực tuyến về “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh khu vực phía Nam”. Với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, chương trình muốn thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.
RÁO RIẾT MỞ RỘNG CÁC NHÀ CUNG ỨNG
Đầu năm 2019, khi được cấp phép đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, Công ty TNHH Techtronic Industries Vietnam Manufacturing (Tập đoàn TTI) của Mỹ ngay lập tức tổ chức hoạt động kết nối tìm kiếm nhà cung ứng nội địa sản xuất linh kiện thiết bị điện không dây. TTI xác định sử dụng 80% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, song đến nay, tỉ lệ này chỉ đạt 40%, số còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ.
Tương tự, Bosch Việt Nam cũng ráo riết mở rộng kết nối các nhà cung ứng ra các tỉnh phía Bắc nhằm tìm kiếm doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô. Ông Nguyễn Khắc Anh Kiệt, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu phát triển của Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô Bosch Việt Nam cho biết: “Suốt 3 năm qua, chúng tôi đều tham gia các hoạt động tìm kiếm nhà cung ứng nội địa nhưng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu của Bosch. Các đối tác cung ứng linh kiện công nghiệp ô tô cho Bosch hiện giờ chủ yếu tới từ Đức và Thái Lan”.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Khoảng 4 – 5 trước, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu đến 80%, nhưng hiện nay chỉ còn nhập 50%. Trong đó, có những đơn hàng nguyên liệu trong nước đáp ứng được trên 90%. Các doanh nghiệp ngành dệt may đều rất muốn tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước để giảm nhập khẩu. Do đó, những doanh nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may có sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh rất dễ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước”.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam hiện đã có kế hoạch phát triển cho 5 – 10 năm tới, mục tiêu giảm nhập khẩu nguyên liệu, tăng xuất khẩu. Mục tiêu trên sẽ mở rộng cửa cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển mở rộng thị phần nội địa. Nhiều ngành khác như: sản xuất máy tính, điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải, phụ tùng; giày dép; xơ sợi dệt; sản phẩm sắt thép… đều có xu hướng tìm mua nguyên liệu trong nước.
Mới đây nhất, bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động gia tăng sử dụng nguồn cung ứng từ doanh nghiệp trong nước. Trong số 500 doanh nghiệp Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, có đến 40% các doanh nghiệp chọn và tính toán chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở phạm vi rộng hơn, tổ chức Qima – nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng – đã thực hiện khảo sát với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu. Kết quả cho thấy, 1/4 doanh nghiệp đã coi Việt Nam là một trong ba thị trường cung ứng hàng đầu. Về xu hướng tìm kiếm nhà cung ứng mới trong 12 tháng tới, 38% doanh nghiệp Hoa Kỳ và 28% doanh nghiệp châu Âu cho biết có kế hoạch chọn Việt Nam hoặc mua thêm từ các nhà cung cấp ở đây.
Nhận định từ thực tế trên, các doanh nghiệp cho rằng, đây là cơ hội “vàng” để doanh nghiệp trong nước bứt phá, tăng tốc đầu tư và gia nhập sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
GIÚP DOANH NGHIỆP KHƠI THÔNG NỘI LỰC PHÁT TRIỂN
Những ngày này, Công ty TNHH CNS Amura Precision hối hả “chạy” 3 ca để kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác lớn. Ông Trần Thanh Lãm, Tổng giám đốc công ty, cho biết năm 2021, dù gặp khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng doanh thu công ty vẫn đạt 115%, lợi nhuận trước thuế đạt 200% kế hoạch. Kết quả khả quan mà CNS Amura Precision đạt được là nhờ công ty đã đẩy mạnh mảng thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí chính xác cao.
Trong số 500 doanh nghiệp Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, có đến 40% các doanh nghiệp chọn và tính toán chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Thị trường khuôn mẫu cơ khí – nhựa còn nhiều tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. TP.HCM rất quan tâm, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là thuận lợi lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nghiên cứu phát triển sản phẩm và sản xuất”, ông Lãm nhìn nhận.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty cơ khí Duy Khanh, và là Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE), cho biết phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất. Theo các doanh nghiệp, vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, thường tương đương vốn đầu tư đất đai, nhà xưởng nên đa số doanh nghiệp không đáp ứng được.
“Đây là rào cản lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc thù của ngành này là có biên độ lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp trong ngành không dễ dàng tiếp cận vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Tống nói và cho rằng các ngân hàng cần thay đổi phương thức đánh giá khả thi hơn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, để khơi thông nội lực phát triển cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, thành phố đã chuẩn bị ngân sách, đồng thời nâng hạn mức cho doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho phép đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ với quy mô 330ha.
Ngày 17/12, TP.HCM cũng đã tổ chức hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” nhằm khai thác kinh nghiệm thành công của các nước trong việc hình thành mô hình khu công nghiệp này tại các quốc gia trong khu vực. Việc hình thành khu công nghiệp này trong thời gian tới sẽ giúp tạo ra chuỗi liên hoàn trong hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, từng bước nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước, đón đầu cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh doanh nghiệp FDI đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Lưu Hà
Bình Luận