Chứng nhận Halal cho nước mắm: tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường
“Chứng nhận Halal không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng Hồi giáo nói riêng tại Việt Nam” – đó là điều mà Tổng giám đốc Văn phòng chứng nhận Halal (HCA) HJ. Mohamed Omar, khẳng định với phóng viên của vatfi.org.vn.
– Xin ông cho biết, Halal và Haram áp dụng trong chế biến thực phẩm nghĩa là gì?
TGĐ Mohamed Omar: Đây là 2 thuật ngữ rất phổ biến trong cuộc sống của người Hồi giáo. Trong tiếng Ả rập, Halal nghĩa là ‘hợp pháp, được phép sử dụng’, những gì không trái với luật Hồi giáo thì được gọi là Halal. Những gì trái với luật Hồi giáo gọi là Haram. Trong Haram chia làm đồ uống và thực phẩm, những đồ uống liên quan đến ‘kharm’ (đồ uống có cồn như rượu, bia) thì gọi là Haram. Thực phẩm được chế biến từ những động vật bị cấm theo luật Hồi giáo như thịt heo hay loại hạt nêm được quảng cáo ‘ngọt từ xương’ cũng bị coi là Haram. Những động vật như bò, gà được coi là Halal nhưng nếu chúng không được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo, tức là không được người Hồi giáo cắt tiết, thì thực phẩm chế biến từ chúng cũng bị coi là Haram.
Dựa trên những nguyên tắc đó, khi đánh giá doanh nghiệp để cấp chứng nhận Halal, văn phòng HCA sẽ xem xét sản phẩm đó được điều chế hay sản xuất từ những nguyên liệu gì và có nguồn gốc từ đâu, giống như truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo, các doanh nghiệp khi làm chứng nhận Halal thì tốt nhất cũng yêu cầu nhà cung cấp nguyên liệu nên có chứng nhận Halal. Thực tế, nhiều công ty đã có chứng nhận Halal cũng yêu cầu nhà cung cấp nguyên liệu phải có chứng nhận này thì họ mới mua hàng.
Các doanh nghiệp cũng phải lưu ý một điều nữa là việc đặt tên sản phẩm cũng có thể phạm luật, tức là từ sản phẩm Halal trở thành Haram. Ví dụ: những cái tên như cháo thịt bằm, mỳ thịt bằm không bao giờ được cấp chứng nhận Halal vì chúng làm người ta liên tưởng đến sản phẩm Haram.
– Nước mắm có thể vừa là Halal vừa là Haram không?
TGĐ Mohamed Omar: Nói chung là chưa đánh giá thì không biết được, nhưng về cơ bản nếu nước mắm không dùng các loại enzym để thúc đẩy quá trình thủy phân thì nó là Halal, vì nguyên liệu chính của nước mắm là cá và muối đều là Halal. Nếu sử dụng loại men được chứng nhận Halal thì nước mắm mặc nhiên sẽ được cấp chứng nhận Halal.
Nước mắm thuộc nhóm mặt hàng thực phẩm. Ở đây, chúng tôi không phân biệt nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hay nước chấm mà chỉ cần quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu Halal thì chúng tôi sẽ cấp chứng nhận. Điều quan trọng là chúng tôi dựa trên các công bố của nhà sản xuất là nước mắm hay nước chấm. Vì cho dù là sản xuất nước mắm công nghiệp thì cũng phải mua nước mắm xá hay còn gọi là nước mắm cốt để pha loãng ra.
Điều chúng tôi quan tâm là quy trình công nghệ từ khi ủ chượp cho đến khi rút ra được nước mắm cốt. Nếu anh làm theo phương pháp truyền thống thì thời gian ủ chượp phải từ 9-12 tháng. Nguyên tắc đầu tiên để đánh giá Halal cho sản phẩm nước mắm là chúng tôi xem họ có sử dụng những loại phụ gia, hương liệu, enzyme gì và chúng có đạt điều kiện và tình trạng Halal hay không. Nếu sử dụng enzyme để rút ngắn quá trình sản xuất nhưng loại men đó không được cấp chứng nhận Halal thì loại nước mắm đó cũng không được cấp chứng nhận Halal.
– Vậy, nhà chế biến nước mắm có chứng nhận Halal có phải yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu, như tàu cá, cũng phải có chứng nhận Halal không?
TGĐ Mohamed Omar: Một trong số các yêu cầu của tiêu chuẩn là nguyên liệu phải đạt điều kiện của Halal là hoặc anh có chứng chỉ Halal hoặc có hồ sơ chứng minh nguyên liệu của anh là Halal, ví dụ cá đánh bắt ngoài biển thì không cần chứng chỉ Halal nhưng nếu trong quá trình muối cá mà có bổ sung thành phần không phải Halal (như các loại enzyme) thì sản phẩm sản xuất ra cũng không được cấp chứng nhận Halal. Như vậy, doanh nghiệp phải có tài liệu để chứng minh quá trình ủ chượp đến khi rút nước mắm cốt đạt yêu cầu Halal. Về góc độ HCA, chúng tôi khuyến cáo nên mua nước mắm cốt từ các công ty đã có chứng chỉ Halal. Điều đó sẽ dễ dàng thuận lợi hơn cho việc cấp chứng chỉ Halal cho các công ty chỉ làm công đoạn pha chế sau.
Các loại phụ gia, hương liệu tham gia vào quá trình sản xuất phải đã được cấp chứng nhận Halal thì mới sản phẩm nước mắm cuối cùng mới được cấp chứng nhận Halal.
Nhiều công ty mua nước mắm cốt từ làng nước mắm Phan Thiết nếu yêu cầu bà con phải có chứng chỉ Halal thì rất khó vì câu chuyện liên quan đến chi phí. Nhưng họ phải có hồ sơ chứng minh rằng hoạt động của họ đạt yêu cầu về mặt Halal.
– Không nhiều người nước ngoài, kể cả người Hồi giáo, biết ăn nước mắm như người Việt. Vậy, chứng nhận Halal cho nước mắm có lợi ích gì?
TGĐ Mohamed Omar: Câu trả lời liên quan đến thị trường nước mắm ở trong và ngoài nước. Chúng tôi đánh giá thị trường nước mắm chủ yếu bán cho người tiêu dùng trong nước và một vài nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia. Châu Âu và Trung Đông ít dùng nước mắm, chủ yếu bán cho người kiều bào ta sinh sống ở đó.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, các tập đoàn thực phẩm lớn đang cạnh tranh rất mạnh với nhau về các sản phẩm dùng trong nhà bếp, như Vedan, Vifon. Và họ cũng mua nhiều nước mắm để đưa vào chế biến. Và tất cả họ đều đã được cấp chứng nhận Halal và họ cũng cần các nhà cung cấp nguyên liệu cho họ phải có chứng nhận Halal để tạo thuận tiện cho việc đánh giá và kiểm soát tình trạng Halal của nguyên liệu.
Chúng tôi đánh giá thị trường về nước mắm ở trong nước tiềm năng hơn thị trường xuất khẩu. Và chứng nhận Halal thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng Hồi giáo nói riêng tại Việt Nam.
– Để được cấp chứng nhận Halal, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm cần đáp ứng những điều kiện nào?
TGĐ Mohamed Omar: Đối với doanh nghiệp nước mắm nói riêng và doanh nghiệp thực phẩm nói chung, chứng nhận Halal có 4 yêu cầu chính mà các chương trình chứng nhận đều đặt ra. Thứ nhất là tình trạng Halal của nguyên liệu, tức là nếu muốn được cấp chứng nhận Halal thì trước hết nguyên liệu phải đáp ứng yêu cầu Halal. Thứ hai là tình trạng Halal của thiết bị, nghĩa là trên cùng một dây chuyền sản xuất không thể để lẫn lộn giữa sản phẩm Halal và Haram. Trong yêu cầu của tiêu chuẩn Halal thì thiết bị sản xuất sản phẩm Halal chỉ được vệ sinh một lần duy nhất và không được hoán đổi với sản phẩm khác. Thứ ba là con người Halal, nghĩa là không được điều chuyển công nhân sản xuất sản phẩm Haram sang sản xuất sản phẩm Halal, những người mắc bệnh truyền nhiễm theo luật của Việt Nam cũng không được tham gia vào sản xuất sản phẩm Halal. Thứ tư là hệ thống quản lý Halal, ví dụ mua hàng từ các nhà cung cấp đã được chứng nhận hoặc có hồ sơ về tình trạng Halal, các loại phụ gia đưa vào chế biến phải đáp ứng yêu cầu Halal,…
– Hiện nay, tại Việt Nam, ngoài HCA còn rất nhiều tổ chức khác cũng cấp chứng nhận Halal. Các chứng nhận đó có gì khác nhau?
TGĐ Mohamed Omar: Đó là câu chuyện thú vị. Có hai câu hỏi mà chúng tôi luôn lưu tâm doanh nghiệp khi giúp họ làm chứng nhận Halal. Câu hỏi thứ nhất: Sản phẩm của doanh nghiệp xuất đi thị trường nước nào? Điều đó giúp chọn chương trình chứng nhận phù hợp. Chúng tôi hiện có 3 chương trình chứng nhận, đó là Chương trình Halal Jakim dùng cho xuất hàng đi Malaysia và các nước chấp nhận chương trình đó; Chương trình Halal MUI dùng cho xuất hàng sang Indonesia và các nước chấp nhận chương trình đó; Chương trình GCC dùng cho xuất hàng sang các nước vùng Vịnh như UAE, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Bahrain, Yemen. Nếu lựa chọn không đúng sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp vì có những nước chỉ chấp nhận 1 trong 3 chương trình đó. Về nội dung yêu cầu cơ bản, các chương trình này đều giống nhau nhưng tiêu chuẩn lại khác nhau.
Câu hỏi thứ hai là: Lựa chọn tổ chức chứng nhận nào? Hiện nay ở Việt Nam có 13 tổ chức cấp chứng nhận Halal. Chỉ duy nhất Văn phòng chứng nhận Halal (HCA) được Ban Tôn giáo chính phủ và Bộ Khoa học và công nghệ cho phép hoạt động theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và được công nhận quốc tế bởi GAC, JAKIM, MUI, CICOT – có nghĩa là chứng nhận của HCA được công nhận tại các quốc gia Hồi giáo. Hiện có khoảng 300 tổ chức cấp chứng nhận Halal trên thế giới nhưng chỉ có 107 tổ chức được quốc tế thừa nhận, trong đó có HCA là tổ chức duy nhất tại Việt Nam.
Nếu lựa chọn sai tổ chức cấp chứng nhận, doanh nghiệp sẽ rơi vào trường hợp có chứng chỉ Halal mà không xuất khẩu được sang thị trường các nước Hồi giáo. Ví dụ, thị trường Malaysia làm rất nghiêm ngặt, nếu chứng chỉ không được công nhận mà xuất hàng sang thì họ sẽ phong tỏa lô hàng đó, không cho thông quan và doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại. Có những doanh nghiệp làm 3 lần chứng chỉ Halal mà không xuất hàng được vì họ làm với những tổ chức không được công nhận.
– Vậy, làm thế nào để biết một tổ chức cấp chứng nhận Halal đã được quốc tế công nhận?
TGĐ Mohamed Omar: Doanh nghiệp nên yêu cầu tổ chức đó cung cấp hồ sơ về tình trạng công nhận của mình, nhưng hồ sơ công nhận cũng có thể bị làm giả. Tốt nhất là yêu cầu họ gửi đường link của trang web của tổ chức đã công nhận họ được phép cấp chứng nhận Halal tại thị trường Việt Nam.
Điều thứ hai hữu ích hơn là, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp nên hỏi các bạn hàng của mình ở nước nhập khẩu xem chứng nhận do tổ chức nào đó cấp có được chấp nhận hay không và các doanh nghiệp cùng làm sản phẩm như mình và đã có chứng nhận Halal.
– Xin cảm ơn ông.
Bình Luận