Các mặt hàng của Việt Nam đối mặt 224 vụ việc phòng vệ thương mại
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện các mặt hàng của Việt Nam là đối tượng của 224 vụ việc phòng vệ thương mại trên thế giới. Do đó sự phối hợp giữa các Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để giải quyết thách thức này.
Phát biểu tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 31/10, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế, thương mại Việt Nam 10 tháng qua tiếp tục đà phục hồi với nhiều điểm sáng, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Kết quả trên có được nhờ sự đóng góp của hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Vai trò của các cơ quan này càng được khẳng định hơn trong bối cảnh còn nhiều rủi ro đối với hàng hóa của Việt Nam, dù bức tranh tăng trưởng xuất khẩu đang rất lạc quan, đặc biệt khi Việt Nam đã, đang đối mặt với nhiều vụ phòng vệ thương mại.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang các thị trường rất tốt, đó là tín hiệu tích cực. Nhưng tín hiệu tích cực này cũng đi kèm với rủi ro khi mà các mặt hàng xuất khẩu có thể có nhiều khả năng hơn trở thành đối tượng điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.
“Hàng hóa Việt Nam ngày càng dễ dàng xâm nhập vào các thị trường, đầu tiên nhờ vào tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tiếp đến là thuế nhập khẩu giảm, thậm chí ở mức 0%. Tuy nhiên, khi thuế giảm và hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quá mạnh thì các biện pháp phòng vệ thương mại trở thành công cụ để các nước nhập khẩu áp dụng tăng thuế mà không vi phạm cam kết nào”Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng của Việt Nam đã là đối tượng của 224 vụ việc phòng vệ thương mại trên thế giới.
Trước tình hình trên các Thương vụ đã thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, cảnh báo khả năng có thể xảy ra các vụ việc phòng vệ thương mại, duy trì cảnh báo sớm, từ đó các hiệp hội, địa phương có thông tin sớm nhất về những mặt hàng có khả năng điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.
Hệ thống Thương vụ trong thời gian qua thường xuyên cập nhật về các bước từ phía cơ quan điều tra phòng vệ thương mại (tiếp nhận hồ sơ, khởi xướng, điều tra, đưa ra kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng…). Việc tiếp nhận các thông tin này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đưa ra được những biện pháp xử lý sớm.
Thương vụ cũng đã có vai trò kết nối truyền tải ý kiến từ phía Bộ Công Thương đến cơ quan điều tra của nước sở tại. Đồng thời, đại diện cho Chính phủ, Bộ Công Thương để trao đổi, phát biểu tại các phiên tham vấn, phiên điều trần của cơ quan điều tra tại các nước sở tại để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp Việt Nam. Các Thương vụ cũng hỗ trợ doanh nghiệp liên hệ bày tỏ ý kiến với các cơ quan điều tra, hoặc làm rõ, phối hợp thực hiện thủ tục điều tra.
“Trong quá trình tham gia hoạt động xuất khẩu để tìm kiếm khách hàng thì cũng cần đảm bảo xuất khẩu bền vững. Để khi xuất khẩu đang trong bức tranh tăng trưởng nhanh nhưng hoạt động tăng trưởng đó không quay ngược trở lại, trở thành lý do để Việt Nam bị áp dụng phòng vệ thương mại, cản trở xuất khẩu. Để đạt được điều này, vai trò của Bộ Công Thương cũng như sự phối hợp của các Thương vụ đối với doanh nghiệp rất quan trọng”, ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh.
Lê Hồng Nhung
Bình Luận