Cà phê Arabica Khe Sanh đạt giải Nhất cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam
Sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh xuất sắc đạt giải Nhất tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức.
Theo công bố của Ban tổ chức, cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 nhằm phát hiện và tôn vinh những lô cà phê, đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản. Giới thiệu sản phẩm cà phê nhân đặc sản của Việt Nam với người tiêu dùng, nhà sản xuất trong và ngoài nước.
Cuộc thi cũng góp phần kết nối nhà rang xay với các đơn vị sản xuất cà phê đặc sản. Bước đầu phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ và giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam; tạo điều kiện cho người trồng cà phê quan tâm đến nâng cao chất lượng.
Năm nay, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 41 đơn vị đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sơn La, Quảng Trị, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Lắk đăng ký tham gia với 74 mẫu dự thi. Trong đó, có 45 mẫu Robusta và 29 mẫu Arabica.
Kết quả, trong 20/47 mẫu cà phê đặc sản lọt vào vòng chung kết, đã có 3 mẫu Arabica và 3 mẫu Robusta đạt điểm cao nhất được Ban tổ chức lựa chọn để trao giải cho các đơn vị tham gia.
Trong đó, ở hạng mục cà phê Arabica, giải Nhất thuộc về Công ty TNHH Pun Coffee (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Giải Nhì thuộc về nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị và Công ty CP Sâm Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) đạt giải Ba.
Đối với cà phê Robusta, HTX Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đạt giải Nhất. Công ty TNHH Mori Coffee (tỉnh Gia Lai) đạt giải Nhì và giải Ba thuộc về Công ty TNHH Phúc Minh (TP. Buôn Ma Thuột).
Huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị là một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê Arabica của Việt Nam, với diện tích khoảng 5.000ha. Địa phương này nổi tiếng trong và ngoài nước với thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh.
Đây là địa phương của tỉnh Quảng Trị được Bộ NN-PTNT chọn để xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích khoảng 60 ha ở xã Hướng Phùng.
Theo ông Lê Quang Thuận, hiện nay huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tìm giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam trên diện tích cà phê được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn; từng bước nhân rộng diện tích cà phê đặc sản ra địa bàn các xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa.
Đồng thời, lãnh đạo địa phương cũng đôn đốc UBND các xã, thị trấn rà soát lại diện tích cà phê hiện có để tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo việc thâm canh, nâng cao chất lượng cà phê và đề xuất chuyển đổi đối với diện tích cà phê kém hiệu quả.
Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, mới đây Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa. Tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới…
Đề án được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.
CÔNG ĐIỀN
Bình Luận