15-12-2121 . bởi Phạm Tâm

Chương trình đào tạo hỗ trợ 1000 doanh nghiệp vừa và nhỏ về sản xuất bền vững

Chương trình đào tạo thuộc khuôn khổ dự án Eco-fair do Liên minh châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi các Viện, Trung tâm nghiên cứu trong và doanh nghiệp tư vấn trong và ngoài nước. 

Chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp theo hướng thực hành sản xuất bền vững, đổi mới sản phẩm trong chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh. 

Thương mại công bằng và sản xuất sinh thái là những nội dung không thể bỏ qua khi nền kinh tế tham gia ngày càng đa dạng các FTAs thế hệ mới. 

Chương trình thuộc khuôn khổ dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Eco-Fair) do Liên Minh Châu Âu tài trợ; đối tác thực hiện gồm Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn (VIRI), Trung tâm Sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn  VNCPC và Công ty Funzi (Phần lan). 

Theo thông tin được công bố, chương trình gồm 02 khóa học hoàn toàn miễn phí. 

Khóa học thứ nhất về các giải pháp sản xuất bền vững cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp tham gia khóa học sẽ được trang bị các kiến thức quan trọng về thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP); các phương pháp đổi mới sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, doanh số bán hàng và lợi nhuận; và hiểu biết về các tiêu chuẩn, chứng nhận cần thiết khi tham gia thị trường quốc tế.

Khóa học thứ hai sẽ cung cấp các kiến thức để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh một cách hiệu quả hơn. Nội dung gồm: các bước hình thành một dự án đầu tư sản xuất bền vững và lợi ích; cách dự toán vốn đầu tư và các nguồn huy động vốn; và các bước chi tiết và lưu ý khi lập hồ sơ vay vốn và hỗ trợ vốn. 

Đối tượng hướng đến của các khóa học là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thuộc các tiểu ngành sản xuất và chế biến gạo, các loại hạt (điều, lạc v.v…), rau, củ, quả, thủy sản, gia súc, gia cầm. 

Chương trình sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Điều này đảm bảo sự linh hoạt trong việc bố trí nhân lực, thời gian của doanh nghiệp; đồng thời cũng hạn chế di chuyển, đảm bảo các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Dự án  “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, nông nghiệp sinh thái và thương mại công bằng đang dần trở thành một chiến lược phát triển đầy hứa hẹn. Đặc biệt khi nền kinh tế tham gia vào ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới, như EVFTA, thì việc thúc đẩy thúc đẩy các sản phẩm sinh thái công bằng là những nội dung đã được quy định cụ thể không thể bỏ qua. 

Tuy nhiên việc thực hành sản xuất theo hướng sinh thái, công bằng vẫn còn nhiều thách thức. Những nguyên nhân chủ yếu được xác định là bởi nhận thức, năng lực còn hạn chế của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bên cạnh đó là mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ sinh thái với chi phí hiệu quả vẫn còn thiếu và yếu. 

Từ thực tế này, Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” đã ra đời. Mục tiêu chung của Dự án nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng ở Việt Nam, góp phần giúp giảm nghèo và phát triển sinh kế bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên tại Việt Nam.

Dự án có tổng kinh phí là hơn 1,8 triệu Euro; trong đó EU tài trợ 80%, 20% còn lại là đối ứng từ các bên tham gia. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2030. 

Link đăng ký hóa học 1 tại đây và khóa học 2 tại đây.

Giới thiệu về dự án.

An Nhiên 

Bình Luận