EU ban hành danh mục các sản phẩm, các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ
Theo thông tin thương vụ Việt Nam, Ủy ban Châu Âu mới đây ban hành Quy định thực thi mới về việc ban hành danh mục các sản phẩm, các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
Theo thông tin thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, Ủy ban Châu Âu mới đây ban hành Quy định thực thi mới số 2021/1165 (Commission Implementing Regulation (EU) 2021/1165) về việc ban hành danh mục các sản phẩm, các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
Quy định định mới này thay thế Quy định của Ủy ban Châu Âu (EC) số 889/2008 về việc Quy định chi tiết về sản xuất hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ liên quan đến sản xuất, dán nhãn và kiểm soát hữu cơ (Regulation (EC) No 889/2008).
Quy định mới 2021/1165 thiết lập danh mục chi tiết các loại sản phẩm và các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ ở tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất hữu cơ đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi thủy sản. Đối với trồng trọt, quy định danh mục các chất được phép sử dụng trong phân bón, xử lý đồng ruộng, dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng.
Đối với chăn nuôi, Quy định chi tiết danh mục các loại phụ gia bổ sung trong thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không phải là sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc thực vật, tảo, động vật hoặc nấm men hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc vi sinh vật hoặc khoáng chất, các chất vệ sinh khử trùng trong chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Trong chế biến, quy định danh mục các loại phụ gia thực phẩm, vệ sinh, khử trùng, các thành phần sản phẩm phi hữu cơ được sử dụng để chế biến, sản xuất thực phẩm hữu cơ.
Quy định này cũng đưa ra quy định về Thủ tục cấp phép cụ thể cho việc sử dụng các sản phẩm và các chất ở một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhất định của các nước thứ ba.
EU ban hành Quy định mới này thực hiện chi tiết Quy định số 2018/848 của Hội đồng Châu Âu sản xuất sản phẩm hữu cơ và việc dán nhãn sản phẩm hữu cơ nhằm hướng tới thực hiện Chiến lược “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) là trọng tâm của Thoả thuận xanh châu Âu (EU Green Deal) với mục tiêu tạo ra các hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường, trong đó EU đặt ra mục tiêu đạt 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ vào năm 2030.
Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và một phần có hiệu lực từ tháng 1/2024 liên quan đến các sản phẩm và chất được sử dụng trong quá trình khử trùng, vệ sinh đồng ruồng, ao nuôi chuồng trại./.
Theo Moit.Gov.Vn
Bình Luận