Những ngành hưởng lợi từ thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Trung Quốc
Trong báo cáo cập nhật ngày 11/12, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) đã chỉ ra những nhóm ngành tiềm năng khi Việt Nam mở rộng hợp tác phát triển với Trung Quốc.
Theo MAS, vốn FDI đăng ký mới 9 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam tăng mạnh từ mức thấp nhất vào trong năm 2022 lên 10,2 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản lần lượt chiếm 84,7% và 5,9% vốn FDI đăng ký mới.
9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều thứ hai vào Việt Nam với hơn 2,9 tỷ USD. Đứng đầu là Singapore với gần 4 tỷ USD. Các quốc gia khác cũng có mức đầu tư lớn là Nhật Bản 2,9 tỷ USD, Hàn Quốc 2,7 tỷ USD và Mỹ với 0,5 tỷ USD.
Trung Quốc cũng luôn chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với 57,7 tỷ USD trong năm 2022, chỉ xếp sau Hoa Kỳ với 109 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2008, khi Việt Nam và Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện thì giá trị xuất khẩu tăng gần 12 lần trong 14 năm vừa qua.
Điện thoại, máy vi tính và linh kiện luôn dẫn đầu về tổng giá trị xuất của Việt Nam sang Trung Quốc (năm 2022 đạt 11,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và 16,3 tỷ USD về điện thoại, linh kiện). Theo sau, các nhóm ngành về nông sản và dệt may cũng chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu.
Trung Quốc đã gỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero-Covid từ đầu năm 2023. Điều này kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi trở lại sau khi GDP năm 2022 ghi nhận mức tăng thấp thứ 2 trong vòng 20 năm (chỉ 3%). Nửa đầu năm 2023, GDP của Trung Quốc đạt 59.303 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện được kế hoạch tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 5%”, MAS nhận định.
Trái với tình trạng lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát khi mức giá tiêu dùng không có sự thay đổi trong tháng 9/2023 và tiếp tục đi ngang ở vùng thấp nhất trong 10 năm. Nước này đang thực hiện đồng thời nhiều gói kích thích kinh tế trong năm 2023 để tiếp tục phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Với sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc và việc tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia, Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra 5 nhóm ngành của Việt Nam sẽ trực tiếp hưởng lợi.
Hàng không: Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó lượng khách Trung Quốc chiếm 32,2% (5,8 triệu lượt). Còn trong 2 năm dịch, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh (năm 2021 chỉ 157.000 lượt, năm 2022 đạt 3,6 triệu lượt). Năm 2021, tổng lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam thấp nhất trong 10 năm, ở mức 57.000 lượt.
Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 9 triệu lượt và riêng khách Trung Quốc đạt hơn 1,1 triệu lượt. Điều này cho thấy khách Trung Quốc đang dần hồi phục. Bên cạnh đó, nước này dự kiến sẽ có thêm một hãng bay tới Việt Nam, sẽ giúp cho lượng khách tăng mạnh trong thời gian tới.
Cao su: Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,6 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt hơn 156.000 tấn (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái), trị giá 202,44 triệu USD.
Sợi dệt: Tổng kim ngạch xuất khẩu sợi dệt của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 3,7% tổng giá trị xuất khẩu năm 2022, đạt 2,1 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mảng này mang về hơn 1,2 tỷ USD.
Khu công nghiệp: Trung Quốc luôn là quốc gia top đầu trong lượng vốn đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2020 là 2,46 tỷ USD và năm 2021 là 2,92 tỷ USD. Năm 2022 đạt 2,5 tỷ USD, chiếm hơn 9% tổng lượng vốn đăng ký. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều thứ hai vào Việt Nam với hơn 2,9 tỷ USD.
Thủy sản: Năm 2022, sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt hơn 672 triệu USD và chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu của sản phẩm này.
9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra phile đạt 290 triệu USD (giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái) và chiếm gần 67% tổng tỷ trọng. Tuy nhiên, kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc dần hồi phục vào cuối năm sẽ giúp cho sản lượng tiêu thụ mặt hàng này dần được cải thiện.
Phạm Ngọc
Bình Luận